Thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô
Cuộc chiến Nga - Ukaraine và những bất ổn trên thế giới đã đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Thậm chí, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát có thể đẩy nhiều nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái. Tại Việt Nam, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn nhằm đối phó với lạm phát. Bài viết đánh giá việc thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong thời gian qua và đề xuất một số định hướng trong thời gian tới.
Tổng quan về CSTT
Khái niệm
CSTT (Monetary Policy) là chính sách kinh tế vĩ mô, sử dụng các công cụ tín dụng và hối đoái tác động đến việc cung ứng tiền cho nền kinh tế.
CSTT có vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Thông qua chính sách này, Chính phủ và NHNN kiểm soát được hệ thống tiền tệ.
Qua đó thực hiện các mục tiêu như kiềm chế lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bình ổn giá, ổn định sức mua của đồng tiền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là công cụ để NHNN kiểm soát hoạt động của toàn bộ NHTM và Tổ chức tín dụng trên toàn quốc.
Các loại CSTT
Có 2 loại CSTT gồm CSTT thu hẹp và CSTT mở rộng.
CSTT thu hẹp
CSTT thu hẹp hay CSTT thắt chặt là việc NHNN giảm mức cung tiền cho nền kinh tế. Việc này được thực hiện thông qua các hành động như tăng lãi suất chiết khấu, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bán chứng khoán ra thị trường.
Khi đó, lãi suất tăng cao, cá nhân và tổ chức dè dặt hơn trong việc chi tiêu và đầu tư, làm cho tổng cầu giảm khiến mức giá chung cũng giảm xuống. Chính sách này được sử dụng trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, lạm phát tăng cao.
CSTT mở rộng
CSTT mở rộng hay chính sách nới lỏng tiền tệ là việc NHNN tăng mức cung tiền cho nền kinh tế nhiều hơn bình thường. Để làm điều này, NHNN sẽ thực hiện 1 hoặc kết hợp 2 trong 3 cách gồm hạ lãi suất chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng mua vào trên thị trường chứng khoán.
Lúc này lãi suất giảm, các doanh nghiệp vay tiền nhiều hơn để phát triển kinh doanh, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn làm cho tổng cầu tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Từ đó, quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập của người lao động tăng, thất nghiệp giảm. Chính vì thế, chính sách này thường được sử dụng khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Công cụ của CSTT
CSTT sử dụng một số công cụ như lãi suất chiết khấu, hạn mức tín dụng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ giá hối đoái, nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn để điều chỉnh mức cung tiền cho nền kinh tế.
Lãi suất chiết khấu
Lãi suất chiết khấu là công cụ NHNN sử dụng thường xuyên trong việc thực thi CSTT. Lãi suất chiết khấu là lãi suất NHNN cho các NHTM vay đối với các khoản vay đáp ứng nhu cầu tiền mặt bất thường. Điều chỉnh lãi suất chiết khấu, lượng tiền cơ sở thay đổi, cung tiền cũng thay đổi theo.
Các NHTM phải dự trữ lượng tiền mặt nhất định để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt bất thường của khách hàng. Nếu khoản dự trữ này không đủ, NHTM sẽ vay NHNN với lãi suất chiết khấu.
Nếu NHNN điều chỉnh lãi suất chiết khấu tăng, NHTM sẽ phải để ý khoản vay này, chủ động dự trữ nhiều hơn, từ đó cung tiền trong nền kinh tế giảm. Ngược lại, nếu NHNN điều chỉnh giảm lãi suất chiết khấu, các NHTM vay nhiều hơn, cung tiền tăng lên.
Hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa NHNN quy định mà các NHTM phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nếu NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng tăng, cung tiền tăng.
Trong trường hợp ngược lại, nếu NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng giảm, cung tiền giảm.
Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là tương quan sức mua giữa nội tệ và ngoại tệ, nó tác động tới xuất nhập khẩu, trao đổi ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ. Về bản chất, đây không phải công cụ của CSTT vì nó không tác động làm thay đổi lượng cung tiền. Tuy nhiên, nó là công cụ hỗ trợ quan trọng cho CSTT.
Điều chỉnh tỷ giá hối đoái được NHNN thực hiện khi muốn điều chỉnh lượng cung tiền bằng ngoại tệ của nền kinh tế:
(i) Để tăng cung tiền bằng ngoại tệ, NHNN sẽ điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái bằng cách mua vào giấy tờ có giá của các NHTM trên thị trường mở bằng ngoại tệ.
(ii) Để giảm cung tiền bằng ngoại tệ, NHNN sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái bằng cách bán giấy tờ có giá cho các NHTM và thu về ngoại tệ.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ lượng tiền phải giữ lại so với lượng tiền gửi huy động theo quy định của NHNN, số tiền này phải gửi tại NHNN. Do vậy, để điều chỉnh mức cung tiền cho nền kinh tế, NHNN sẽ tác động vào tỷ lệ này. NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cung tiền giảm, NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì cung tiền tăng.
Nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở là việc NHNN mua hoặc bán các loại chứng khoán trên thị trường mở. Việc này tác động đến lượng dự trữ của các NHTM, ảnh hưởng đến việc cung ứng tín dụng của họ ra thị trường, từ đó điều chỉnh lượng cung tiền.
Nếu NHNN mua chứng khoán trên thị trường mở, các NHTM có thêm khoản tiền dự trữ, lượng cung tiền cho nền kinh tế tăng. Ngược lại, nếu NHNN bán chứng khoán, lượng cung tiền sẽ giảm. Đây chính là mục tiêu của CSTT.
Tái cấp vốn
Là việc NHNN cấp tín dụng cho các NHTM thông qua việc mua bán giấy tờ có giá, từ đó cung cấp nguồn vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho NHTM. Qua đó, NHNN đã tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế.
Thực trạng thực thi CSTT ở Việt Nam
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, kinh tế thế giới biến động phức tạp và phân hóa mạnh mẽ. Chuỗi cung ứng đứt gãy và lưu thông, vận chuyển khó khăn đẩy lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao trên toàn cầu, giá hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới, như dầu mỏ, lương thực, thực phẩm, sắt thép, cước phí vận chuyển tăng cao nhất trong nhiều năm.
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngưng trệ, di chuyển của người dân bị hạn chế, sản xuất, lưu thông đứt gãy, dòng tiền gián đoạn.
NHNN đã chủ động, quyết liệt, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Về chính sách lãi suất chiết khấu
NHNN tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ các TCTD đẩy mạnh tín dụng. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch lãi suất liên ngân hàng - là mức lãi suất vay mượn lẫn nhau kỳ hạn ngắn giữa các TCTD - đã giảm xuống mức rất thấp trong lịch sử, khoảng từ 0,5%/năm đến 0,9%/năm cuối quý III/2021.
Đồng thời, NHNN ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của TCTD giảm. Ngay trong năm 2020 khi dịch bệnh mới xuất hiện, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5%/năm đến 2%/năm.
Trong năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất thấp kết hợp với việc duy trì thanh khoản dồi dào trên thị trường tiền tệ. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (gồm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao) là 4,4%/năm.
Về hạn mức tín dụng
NHNN luôn bảo đảm cung ứng vốn tín dụng đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng đối với các TCTD theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát khoảng 4% trong năm 2021 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 12% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Cùng với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Do đó, tín dụng vẫn có sự tăng trưởng trong đại dịch, năm 2021 tăng 14,29% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,71% so với cuối năm 2019 và tăng 10,24% so với cùng kỳ 2019). Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Về tỷ giá hối đoái
Công tác điều hành tỷ giá vẫn tiếp tục bảo đảm linh hoạt, bám sát cung cầu thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT mặc dù Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cuối năm 2020 khoảng 200% GDP), việc điều hành tỷ giá của Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức đến từ bên ngoài.
Tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định mặc dù các đồng tiền trong khu vực bị mất giá như Baht Thái giảm 11,2%, Ringgit Malaysia giảm 2,68%, Đô-la Singapore giảm 1,95%. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Các chính sách đặc thù khác
NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo các TCTD đồng hành, sát cánh với các doanh nghiệp, người dân thông qua triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm:
- Ban hành thông tư cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Với 2 lần sửa đổi và bổ sung, quy mô, phạm vi đối tượng được áp dụng các biện pháp hỗ trợ đã được mở rộng đáng kể, thời gian hỗ trợ cũng được kéo dài đến tháng 6/2022.
- Hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động thông qua việc triển khai cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đến cuối năm 2021 có hơn 1300 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương cho hơn 180.000 lượt người lao động.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho người dân, doanh nghiệp với tổng số phí dịch vụ thanh toán NHNN và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) giảm khoảng gần 1.600 tỷ đồng để hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2021.
- Tiếp tục đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho các định chế tài chính lớn thông qua việc triển khai các chương trình tái cấp vốn để các TCTD cho các định chế tài chính vay lại nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong tình hình mới
Việc các nước bơm tiền ra rất nhiều để hỗ trợ nền kinh tế trong 2 năm đại dịch thông qua nới lỏng lượng tài khoá, tiền tệ; đã khiến cho lạm phát có nguy cơ đã xuất hiện từ tháng 07 và tháng 8/2021.
Những dự đoán của nhiều chuyên gia trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam là lạm phát chỉ tạm thời, đến đầu năm 2022 hoặc tệ lắm là đến nửa đầu năm 2022 sẽ được kiểm soát và đi xuống đã không thành sự thật. Sự bùng nổ lạm phát tràn lan trên thế giới đã cho thấy, diễn biến các nhân tố bên ngoài rất bất ổn và khó lường. Đứng trước tình hình như vậy, NHNN đã kịp thời thực hiện việc điều chỉnh lãi suất, cụ thể như sau:
Sau khi Fed công bố tăng lãi suất cơ bản, NHNN đã điều chỉnh một loạt biểu lãi suất điều hành. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, tuy nhiên, lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn. Dự đoán, với mức lãi suất điều hành tăng 1%, trần lãi suất tiền gửi cho đến 6 tháng lên tới 5%, sẽ đẩy lãi cho vay sẽ tăng lên từ 1-2%.
Việc NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý đã phát đi tín hiệu CSTT của Việt Nam sẽ không còn nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế nữa, mà phải tập trung để ổn định kinh tế vĩ mô.
Định hướng trong thời gian tới
Trong thời gian vừa qua, NHNN đã thực thi kịp thời và hiệu quả CSTT góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, bóng ma lạm phát vẫn còn và những nguy cơ bất ổn vẫn còn hiện hữu, trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần thực hiện quan điểm “tiếp biến” (tiếp nhận và biến đổi linh hoạt) trong điều hành CSTT. NHNN điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng linh hoạt để bảo đảm thanh khoản, hỗ trợ các TCTD sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường. Việc tăng lãi suất cần được theo dõi và tính toán cẩn thận trên cơ sở đảm bảo kiểm soát lạm phát và không rơi vào tình trạng “hạ cánh mềm”.
Thứ hai, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế như ADB, IMF thì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện nay khoảng 124% - đây là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới do vậy việc bảo vệ giá trị đồng tiền là ưu tiên cần làm. Giải pháp ở thời điểm hiện tại cần một CSTT đủ "mạnh" để vẫn hỗ trợ được tăng trưởng, ở mức độ rủi ro chấp nhận được. Điều này có thể triển khai thông qua việc nới trần tín dụng của năm 2022, ở mức trần khoảng 15-16% của cả nền kinh tế và tập trung nới ở một số ngân hàng được đánh giá là cung cấp tín dụng ra nền kinh tế tốt, tập trung vào kinh doanh, sản xuất và lĩnh vực ưu tiên.
Thứ ba, nghiên cứu phối hợp với các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, từ đó tăng nguồn dự trữ ngoại hối. Đây là cách an toàn để bảo vệ giá trị đồng tiền thay vì việc bán ra dữ trữ ngoại hối. Đồng thời, duy trì chính sách kiểm soát ngoại hối nhưng ở chừng mực nào đó, để tránh việc đẩy mạnh tình trạng mua - bán ngoại tệ trên thị trường tự do quá nóng.