Chủ tịch WEF: Toàn cầu hóa phải tạo thêm nhiều việc làm

Theo Hoàng Hoa/bnews.vn

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Børge Brende nhận định rằng toàn cầu hóa phải trở nên công bằng hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố chủ đề của Hội nghị thường niên WEF 2019, hay còn gọi là Diễn đàn Davos, diễn ra từ ngày 22 đến 25/1/2019. 

Diễn đàn Davos 2019 có chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Chủ đề này thể hiện sự kết nối hợp lý với chủ đề Diễn đàn Davos năm 2018 là "Xây dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt".

Ngoài ra, theo ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, hai chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm được sự cân bằng mới cho một "toàn cầu hóa công bằng". 

Phát biểu của ông Klaus Schwab được đưa ra ít lâu trước khi có thông báo về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Davos tham dự WEF vào tháng 1/2019. 

Lý giải chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0” của Diễn đàn Davos 2019, ông Brende nói: “Lâu nay, thế giới không biết đến nhiều thách thức chính trị đến vậy và Hội nghị thường niên sắp tới của WEF sẽ diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều hoài nghi, bếp bênh và tranh cãi chưa từng có. Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu những thảo luận ở cấp độ toàn cầu vì gặp phải nhiều vấn đề địa chính trị.

Ngoài ra, chúng ta đang bước vào một cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR4) đặc trưng bởi các công nghệ tiên tiến của thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học; những công nghệ khác nhau này đang cùng nhau tạo ra những đổi mới với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong lịch sử loài người”.

Với những thách thức nêu trên, thế giới cần có một thời kỳ hợp tác toàn cầu mới và khuôn khổ hợp tác mới sẽ phải định hình kiến trúc cần thiết, đảm bảo một sự phát triển mới và đạt được sự thịnh vượng trong thời đại IR4. 

Đề cập đến những vấn đề tiêu cực của toàn cầu hóa được ghi nhận cho đến nay, ông Brende cho rằng một số vấn đề đã chệch hướng trong các đợt hội nhập trước đó, chẳng hạn như tình trạng đình trệ trong những năm 1970, bất bình đẳng trong thập niên vừa qua và sự suy giảm đa dạng tự nhiên.

Ông Brende cũng khẳng định hội nhập toàn cầu hơn nữa là không thể tránh khỏi, chẳng hạn trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và an ninh mạng. 

Về các mục tiêu liên quan đến chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0”, ông Brende nhấn mạnh: “Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn, chứ không phải hạn chế hợp tác nên cần một khuôn khổ mới và một kiến trúc toàn cầu mới.

Điều quan trọng là toàn cầu hóa phải trở nên công bằng hơn, toàn diện hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn. Và, tất nhiên, toàn cầu hóa phải có tính bền vững hơn vì chúng ta chỉ có một hành tinh và không có một hành tinh dự trữ nào cả! 

Tại Diễn đàn Davos 2019, một loạt các cuộc đối thoại toàn cầu sẽ diễn ra trong năm lĩnh vực có liên quan, phụ thuộc lẫn nhau: tương lai của nền kinh tế, các hệ thống công nghiệp, an ninh mạng, nhân lực và cải cách thể chế. Những chủ đề về châu Âu nằm trong số các ưu tiên của Diễn đàn và các chủ đề này sẽ được đề cập với sự hiện hiện của các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu lục.

Các chủ đề được đề cập bao gồm vấn đề thiếu tập trung, thiếu quy tụ trong Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), nhiệm vụ của Ủy ban châu Âu mới cũng như khả năng cạnh tranh của châu Âu trong thời đại IR 4. Những phê phán đối với chủ nghĩa đa phương và dân túy cũng là các chủ đề được chờ đợi tại diễn đàn sắp tới. 

Ngoài ra, một câu hỏi thu hút giới truyền thông được gửi tới lãnh đạo WEF: Làm thế nào để thu hút các nhà lãnh đạo không ủng hộ chủ nghĩa đa phương tới Davos? Làm thế nào để Tổng thống Trump lại đến Davos một lần nữa trong năm 2019? 

Ông Brende, chia sẻ tại tất cả sự kiện của WEF - nhất là các hội nghị thường niên ở Davos, các hội nghị thường niên mang tên "New Champions" ở Trung Quốc hay các hội nghị chiến lược công nghiệp ở California - có mục tiêu luôn là thu hút các tiếng nói, ý kiến khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cách tiếp cận này thu hút một cách tự nhiên các nhà lãnh đạo có quan điểm khác nhau về toàn cầu hóa hoặc quan điểm khác nhau về cách thức tốt nhất để lãnh đạo một quốc gia; mục tiêu là tạo ra các cuộc thảo luận hiệu quả vì điều này là cần thiết để phát triển một kiến trúc toàn cầu mới.

Cho đến nay, WEF đã rất thành công trong việc tập hợp nhiều nhà lãnh đạo và không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi trong những năm tới.