Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nguyệt Hà

Bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam tiếp tục chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Cần chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp nước ngoài.
Cần chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp nước ngoài.

Đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu. Môi trường kinh doanh còn rất tiềm năng đối với cộng đồng đầu tư quốc tế, dư địa để hấp thụ thêm nguồn vốn FDI vào nhiều lĩnh vực còn rất lớn. Thế nhưng, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.

Lý giải thực trạng này, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự hạn chế trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho các dự án FDI chất lượng. “Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, các nhà đầu tư FDI cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu hụt nhân sự có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp, công nghệ thông tin, chíp bán dẫn, điện tử viễn thông... Chưa kể, các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), năm 2024, có khoảng 30% lực lượng lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng (có trình độ sơ cấp trở lên) trên toàn quốc. Tại các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động dưới đại học vẫn chiếm hơn 80% và con số này chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể từ năm 2011 đến nay. Đây là một thách thức lớn khi mà yêu cầu về kỹ năng ngày càng tăng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ cao hơn.

Do đó, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030, theo GS. TS. Nguyễn Mại - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tăng thêm sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp bao gồm cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lao động và đầu tư, giảm bớt các rào cản pháp lý và thủ tục quản lý. Nâng cao tính dễ dàng và minh bạch trong việc làm thủ tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, cần các chính sách thu hút nhân tài như hỗ trợ thuế, chi phí sinh hoạt và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho các chuyên gia, nhà quản lý và công nhân kỹ thuật có kỹ năng cao. Các chính sách này cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực và trách nhiệm, giúp tăng cường hiệu suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên.

Về phía doanh nghiệp FDI, cũng cần xây dựng một chiến lược rõ ràng về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Việc đầu tư vào đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực thực hành là rất cần thiết để cung cấp đủ lao động có trình độ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu sản xuất và quản lý của doanh nghiệp.

Đồng thời, có tầm nhìn chiến lược và sẵn sàng dự đoán các thay đổi trên thị trường lao động và chính sách nhà nước liên quan. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, củng cố công tác quản trị và nguồn nhân lực hiệu quả. Thậm chí, cần có kế hoạch và ngân sách rõ ràng cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư hợp lý vào việc đào tạo là cần thiết để giúp cán bộ nhân viên cải thiện kỹ năng và nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và kinh doanh ngày càng cao.