Cần chính sách bứt phá để thu hút vốn FDI
Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý I/2025 vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng nhưng trong bối cảnh mới, có nhiều thách thức như hiện nay đòi hỏi Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải cách, có những chính sách bức phá…

Tính đến hết tháng 3/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%; chủ yếu tập trung công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm gần 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ). Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua và phản ánh năng lực hấp thu, giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.
Số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn trên đã khẳng định Việt Nam tiếp tục là thị trường đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng các dự án đầu tư hiện hữu...
Để thu hút FDI trong bối cảnh mới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường ưu đãi thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, bền vững…
Bên cạnh đó, cũng cần thiết tinh giản thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu những rào cản quan liêu; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật… từ đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Đồng thời, để phù hợp xu hướng phát triển quốc tế, Việt Nam chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với đề án đào tạo 100.000 kỹ sư ngành điện tử và 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Song song với đó là tập trung phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng điện; thành lập tổ hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài trọng điểm…
Vào cuối tháng 3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và năm 2026, trong đó, sẽ xóa bỏ nhiều điều kiện kinh doanh chồng chéo… Đây được xem là một trong nhiều động thái quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút vốn FDI bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ duy trì đối thoại chính sách để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất giải pháp xử lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Nhận định về thu hút FDI năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng: Hiện nay, có nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn tới vấn đề này. Cụ thể là các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó, rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ với Việt Nam mà tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh. Vì vậy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
“Với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Mặc dù khó khăn nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu thu hút FDI năm 2025 vẫn là tăng 35-40 tỷ USD, vốn thực hiện 27-28 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.