Chưa hạ được lãi suất vì "tắc" vốn

Theo InfoTV

Mới đây, Nghị quyết phiên họp tháng 8 của Chính phủ nêu rõ: Lãi suất cho vay hiện vẫn đang ở mức cao.

Như vậy, cho tới hiện tại, bài toán hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem ra vẫn chưa có lời giải cụ thể. Vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

* Theo ông, đâu là rào cản khiến lãi suất không thể giảm theo chủ trương của Chính phủ (lãi suất cho vay khoảng 12%/năm) trong thời gian qua?

Ông Lê Đức Thúy: Lãi suất vẫn đứng ở mức khá cao thời gian qua do nguồn vốn hệ thống NH không được lưu thông, cung - cầu vốn không tự điều chỉnh để đưa giá vốn trở về với mức giá cân bằng. Những quy định như: vốn huy động trên thị trường 2 không được lớn hơn 20% vốn huy động trên thị trường 1, khiến các NH không thể vay mượn lẫn nhau, dòng vốn bị ách tắc.

Thêm vào đó, vừa qua Thông tư 13 “siết” quá chặt các tỷ lệ an toàn hệ thống có thể làm triệt tiêu động lực kinh doanh của các NH, nguồn vốn cho vay trở nên khó khăn hơn... Những rào cản trên đã và đang làm ách tắc đến sự vận hành của luồng vốn và đương nhiên giá vốn sẽ không rẻ được.

* Theo số liệu của Ủy ban Giám sát, 8 tháng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt khoảng 15% và cung tiền M2 (gồm tổng tiền mặt và tiền gửi NH) khoảng 13%, so với chỉ tiêu 25% và 20% có thấp không, thưa ông?

Ông Lê Đức Thúy: Mức tăng trưởng tín dụng thấp hay cao chỉ là tương đối, do còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Cần nhìn tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng GDP. Nếu GDP tăng trưởng tốt thì không phải hối thúc tín dụng.

Về cung tiền M2, con số 13% không nhiều và không ít so với chỉ tiêu 20%. Với tốc độ tăng tín dụng như vậy và GDP như hiện nay, cùng tổng phương tiện thanh toán 13%, cái mà tôi lo ngại, từ cuối năm nay tới đầu 2011 sẽ bị mất đà tăng trưởng, quá trình phục hồi nền kinh tế rồi sẽ vất vả hơn.

* Mấu chốt của việc hạ lãi suất do vốn bị ách tắc, vậy dòng vốn này đã chảy đi đâu?

Ông Lê Đức Thúy: Theo tôi nguồn vốn này đang chảy vào trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu chính phủ. Các NH mua trái phiếu chính phủ, sau đó tái chiết khấu trở lại với NHNN để vay tái cấp vốn với lãi suất rẻ. Những NH này đang đầu cơ ra 2 kênh.

Một là đầu cơ trên vai ngân sách, mặc dù nhìn vào thấy NH huy động 11,2%, mua trái phiếu chính phủ 10% là lỗ 1%, nhưng thực tế NH lại dùng trái phiếu này vay tái chiết khấu của NHNN chỉ có 7%, và được lợi 2%. Đó là cách NH kinh doanh thời gian qua, nguồn lợi lớn nên họ không mặn mà với tín dụng là điều dễ hiểu.

* Vậy có biện pháp nào để khơi thông dòng vốn này, thực hiện mục tiêu hạ lãi suất không, thưa ông?

Ông Lê Đức Thúy: Ngay từ đầu năm tôi đã từng kiến nghị với chính phủ có thể tính đến giải pháp NHNN trực tiếp mua trái phiếu chính phủ. Vì lúc đó Bộ Tài chính bán trái phiếu gọi vốn để đầu tư nhưng không bán được. Vì vậy, việc cố nâng lãi suất trái phiếu như vừa qua đã làm cho mặt bằng lãi suất thị trường dâng lên và không hạ được lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. NHNN có thể mua có kỳ hạn trái phiếu dài hạn của Chính phủ (dưới 1 năm). Chẳng hạn Bộ Tài chính bán lãi suất 10%, NHNN chỉ cần mua với giá 8%, như vậy Nhà nước được lãi 2%.

Bằng cách này, kho bạc không phải chịu áp lực quá lớn khi đem trái phiếu ra huy động vốn trên thị trường, còn NHNN cũng có thể dùng trái phiếu đó khi cần để hút vốn trên thị trường. Nếu không cần hút thì đáo hạn trong thời hạn đã cam kết với kho bạc và Bộ Tài chính sẽ mua lại.

Khi Bộ Tài chính mua lại có thể huy động rải ra, không dồn vào một lúc, như vậy sẽ không tạo ra áp lực tăng cầu trên thị trường, làm cho giá vốn tăng. Cả ngân sách và NHNN đều có lợi. Còn như hiện nay cái lợi đó đang chui vào túi của các NH thương mại lớn, có tiềm lực mạnh, trong khi lãi suất vẫn cứ đứng ở mức cao.