"Xanh hoá" logistics: Cuộc đua không dễ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Yêu cầu chuyển đổi xanh ngành Logistics đã không còn là xu hướng mà trở thành sự sống còn của doanh nghiệp trong hội nhập toàn cầu, nhưng việc thực hiện với các doanh nghiệp Việt Nam cần lộ trình và sự hỗ trợ của nhiều bên.

Còn vướng rào cản chi phí, chính sách và nhận thức
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 11/7/2025, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.
Theo đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…
Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch VLA cũng nêu, chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại Việt Nam, trong cuộc đua chuyển đổi và sẵn sàng “xanh hoá” của các doanh nghiệp logistics chưa đồng đều.
Theo Chủ tịch VLA, với các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài thì họ đã bắt đầu triển khai các sáng kiến logistics xanh, như sử dụng xe điện, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua số hóa hoặc xây dựng trung tâm logistics tiết kiệm năng lượng.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ – vốn chiếm khoảng 90% số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam – vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể.
Các doanh nghiệp logistics cần nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các tranh thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp...
Mặt khác, hành lang pháp lý hỗ trợ logistics xanh còn thiếu đồng bộ. Dù Chính phủ đã có Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có đề cập đến hạ tầng hỗ trợ phương tiện xanh, nhưng việc triển khai còn chậm và thiếu liên kết.
Cũng nói về khó khăn khi "xanh hoá", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nhận thức, thói quen, hạ tầng vẫn chưa đáp ứng cho sự phát triển của phương tiện vận chuyển xanh.
Hơn nữa, chuyển đổi xanh hoá đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ và các doanh nghiệp cũng gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ hay việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai.

Tìm cơ hội ngay trên "sân nhà"
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà xuất khẩu, thậm chí là có tăng trưởng, trong bối cảnh chi phí leo thang và khó khăn thì chứng tỏ nền tảng logistics tương đối ổn định và các doanh nghiệp đã thể hiện một sức chống chịu phi thường.
Cũng theo ông Hoài, trong thời gian tới, vấn đề logistics không chỉ dừng lại ở chi phí mà cần hướng tới mục tiêu để tất cả đơn vị trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics, phải cùng nhau cam kết và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, qua đó đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần được thúc đẩy đối thoại chính sách, chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và chia sẻ mô hình thành công từ các quốc gia đã đi trước. Việc này cần có lộ trình thực hiện cụ thể, với sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên.
Do đó, tại sự kiện, các doanh nghiệp đều bày tỏ mong đợi Đại hội Thế giới của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế - FIATA World Congress 2025 dự kiến được tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2025.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ, đây sẽ là cơ hội lịch sử cho doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập quốc tế trên chính “sân nhà”. Thông qua sự kiện, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp sẽ thẳng thắn trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, thúc đẩy hợp tác quốc tế cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.