Chưa nên siết chặt tín dụng bất động sản

Theo tapchithue.com.vn

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo: “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016” do Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tin tại hội thảo cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với nhiều tín hiệu tích cực. Thị trường BĐS thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc, theo đó, lượng giao dịch trong năm 2015 có mức tăng trưởng gần gấp đôi so với năm 2014, không chỉ ở phân khúc nhà ở trung bình và thấp, mà còn ở cả phân khúc căn hộ trung và cao cấp, đất nền, nhà ở riêng lẻ và phân khúc văn phòng, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong khi việc tìm kiếm nguồn vốn để phát triển thị trường vẫn đang gặp nhiều rào cản, thì mới đây dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước nhằm thay đổi hệ số rủi ro các khoản vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% lại dấy lên lo ngại sẽ siết chặt vốn ngân hàng vào lĩnh vực này. Nhất là khi thời hạn giải ngân gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2016.

Đánh giá về thực trạng thị trường BĐS Việt Nam 2015 và triển vọng năm 2016, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường đang có những bước phát triển ổn định, lượng hàng tồn kho dù giảm nhanh nhưng vẫn còn tương đối nên chưa thểxuất hiện tình trạng “bong bóng” BĐS. Vì thế, nếu siết chăt vốn ngay bây giờ, sẽ gây khó cho DN và nền kinh tế cũng không có lợi.

Trong trường hợp muốn “cảnh báo” ngân hàng về nợ xấu và rủi ro thị trường thì chỉ cần nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS lên 200%, còn mức 250% hiện là mức cao nhất thế giới nên sẽ khó còn dư địa để điều chỉnh. Chưa kể, với chính sách tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế và thị trường BĐS thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý, có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái một cách bài bản, khoa học.

Với phân tích cho rằng, thắt chặt tín dụng sẽ đẩy lãi suất tăng, mà nếu lãi suất tiếp tục tăng lên, toàn bộ nỗ lực về phục hồi của DN, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) đề xuất, siết chặt tín dụng BĐS vào thời điểm này là chưa cần thiết, thay vào đó cầu kiểm soát tín dụng hiệu quả hơn như tín dụng cho người có liên quan với ngân hàng, tín dụng chảy vào các dự án không hiệu quả, tín dụng cấp cho các dự án mà nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính.

Cũng theo ông Nghĩa, chính sách đưa ra phải trên cơ sở nghiên cứu, tính toán cụ thể, nếu không sẽ gây méo mó thị trường. Chưa kể, nếu thị trường BĐS gặp khó khăn, tăng trưởng thiếu ổn định thì việc xử lý nợ xấu rất khó đạt mục tiêu và hệ thống ngân hàng sẽ vẫn trong tình trạng tài chính yếu kém do chi phí hoạt động quá lớn.

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Hùng Võ nêu thực tế, suốt thời gian qua, thị trường BĐS luôn phải vay tín dụng với lãi suất quá cao, có khi tới 25%/năm. Đến nay, mức lãi suất dù đã về rất thấp, nhưng vẫn còn ở mức 8% - 10%/năm.

Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới lãi suất tín dụng cho vay đầu tư vào lĩnh vực này chỉ từ 3% tới 5%/năm. Khi lãi suất vay vốn ngân hàng cao, các nhà đầu tư sẽ tìm đến giải pháp huy động trực tiếp từ người mua theo cơ chế "mua bán BĐS hình thành trong tương la", lúc này rủi ro phần nhiều sẽ thuộc về người dân.

Để khắc phục, GS.TS Đặng Hùng Võ gợi ý đến việc thành lập các quỹ tín thác đầu tư BĐS để thu nhận vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hiện khung pháp luật về quỹ đầu tư BĐS mới được hình thành ở mức độ Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cần tiếp tục tạo thêm cơ chế cho phép thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Bởi theo ông Võ, đây là cách thức tốt để tiếp cận nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho thị trường BĐS.