Cần giải pháp phát triển bền vững cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản thời gian qua được nhận định đã có những bước phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, đánh giá về sự phát triển của thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng những bước phát triển thời gian qua chưa thực sự an toàn và bền vững.
Phát triển chưa ổn định
Thị trường bất động sản Việt Nam được nhận định có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế khi chiếm 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Thời gian qua, thị trường bất động sản đã có sự khởi sắc, đáp ứng các phân khúc đối tượng khác nhau trong xã hội. Sự phục hồi trở lại của thị trường được thể hiện rõ nét thông qua số lượng giao dịch tăng lên, lượng hàng tồn kho giảm mạnh và dư nợ tín dụng ngày càng tăng. Theo số liệu của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch thành công của Hà Nội năm 2015 đạt khoảng 20.000 giao dịch, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ thời điểm 2014; tại TP. Hồ Chí Minh, lượng giai dịch đạt khoảng 26.000 giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2014. Giá bất động sản thời gian qua đã ổn định và tăng từ 5-6% so với 2014.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016” diễn ra ngày 23/3/2016, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trườngbất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, dù thị trường bất động sản từng bước hồi phục tích cực nhưng chưa thực sự lành mạnh. Các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh căn hộ cao cấp, chưa chú trọng đầu tư dự án trung bình, nhỏ; thị trườngcòn thiếu quy hoạch, chưa có kế hoạch, chưa bám sát nhu cầu thị trường; việc chấp hành quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh bất động sản tại nhiều dự án chưa tốt, chưa bảo đảm đúng tiến độ; tình trạng mua bất động sản, nhà ở để đầu cơ vẫn diễn ra nhiều…
Bàn về vấn đề này, GS., TS. Đặng Hùng Võ nhận định, năm 2015, thị trường bất động sản đã bước qua nhiều khó khăn của giai đoạn trầm lắng, đang trong trạng thái phục hồi với nhịp cung - cầu phục vụ sử dụng. Thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua sử dụng chủ yếu 5 luồng vốn đầu tư bao gồm: vốn tự có của các nhà đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn do nhà đầu tư dự án huy động trực tiếp từ người mua bất động sản thông qua cơ chế phân chia lợi ích kinh doanh hoặc cơ chế mua bán nhà hình thành trong tương lai, vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và vốn huy động từ thị trường chứng khoán.Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam chưa tạo được luồng vốn đầu tư ổn định, trong khi vốn tự có của các doanh nghiệp bất động sản không cao; luồng vốn tín dụng lại có tỷ lệ lãi suất khá cao, thiếu vốn cho vay trung và dài hạn, chịu tác động khá mạnh của các thăng trầm của thị trường tài chính.
Thị trường bất động sản 2016 được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục tăng, các doanh nghiệp khó khăn sẽ phải điều chỉnh dự án cho phù hợp. Nhiều dự án gặp khó khăn về vốn sẽ được nhà đầu tư mới mua lại thay vì xin cấp mới.
Để thị trường phát triển bền vững
Giải bài toán về vốn cho thị trường bất động sản thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tín dụng ngân hàng vẫn là quan trọng hàng đầu với thị trường bất động sản, vì vậy, chính sách tiền tệ cần được nới lỏng một cách hợp lý, có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản hơn, chính sách bảo lãnh cần loại bỏ những nhà đầu tư bất động sản không có vốn tài chính và cần phải kiểm soát tốt hơn thị trường tranh chấp bất động sản.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, ông Vũ Văn Phấn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn các Luật. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Về phía các địa phương trọng điểm, cần tập trung rà soát dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo Chỉ thị số 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quyết liệt trong việc thu hồi các dự án vi phạm pháp luật, các dự án không phù hợp, không có tính khả thi. Đối với các ngân hàng, cần tiếp tục kiểm soát cho vay lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, phù hợp để vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn cho vay.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam là lĩnh vực mà nếu Chính phủ khôn khéo thì có thể dùng làm công cụ kích cầu, phát triển kinh tế; nhưng không khéo nó sẽ trở thành “ngòi” nổ nguy hiểm. Bởi vậy, khéo léo, cẩn trọng và tế nhị là yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý đối với thị trường đặc thù này.