Chưa nên siết thêm tín dụng ngoại tệ

Theo Hà Anh/Enternews

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ.

Đến nay đã gần tròn 1 năm kể từ khi NHNN ngừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước. Nguồn: internet
Đến nay đã gần tròn 1 năm kể từ khi NHNN ngừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước. Nguồn: internet

Dù trong vòng 1 năm qua, siết tín dụng ngoại tệ đã đạt được một số kết quả tích cực, song nhiều chuyên gia cho rằng chưa nên tính tới chuyện siết chặt thêm hoạt động này, nhất là khi xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do COVID-19.

Không gây xáo trộn thị trường

Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn. Trước đó từ 1/4/2019, các TCTD cũng đã chấm dứt việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước.

Đến nay đã gần tròn 1 năm kể từ ngày Thông tư 42/2018/TT-NHNN có hiệu lực, song việc siết tín dụng ngoại tệ gần như chưa gây nhiều xáo trộn trên thị trường. Lý giải về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn được vay ngoại tệ, không chỉ phục vụ thanh toán tiền nhập khẩu nguyên vật liệu, mà còn đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất hàng xuất khẩu.

Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng trong nước, do không có nguồn thu ngoại tệ nên từ lâu đã không thuộc đối tượng được vay ngoại tệ nữa mà họ thường phải mua ngoại tệ từ ngân hàng để thanh toán tiền hàng nhập khẩu.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc siết chặt đối tượng được vay ngoại tệ khiến tín dụng ngoại tệ sụt giảm. Trên thực tế, mặc dù thời gian gần đây không thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố số liệu về tín dụng ngoại tệ, song theo cơ quan Thống kê TP.HCM - thị trường tiền tệ lớn và sôi động nhất cả nước, thì tín dụng ngoại tệ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tính đến đầu tháng 8/2020, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm 4,14%.

Theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, tín dụng ngoại tệ giảm chỉ một phần nhỏ là do tác động của Thông tư 42, còn chủ yếu do cầu tín dụng giảm. Bởi vì, đại dịch COVID-19 một mặt đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, đồng thời cũng khiến hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ, hệ quả là các doanh nghiệp cũng hạn chế vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu.

Cần có lộ trình cụ thể

Cho rằng việc NHNN không giới hạn thời gian vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu là điều rất tích cực, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng phân tích, hiện lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn lãi suất vay tiền đồng khá nhiều, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vốn, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi việc siết tín dụng ngoại tệ đối với nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng trong nước cũng góp phần hạn chế việc nhập khẩu các hàng hóa tiêu dùng xa xỉ, từ đó góp phần giúp cán cân thương mại liên tục thặng dư. Ước tính 8 tháng đầu năm nay, cả nước xuất siêu tới 11,9 tỷ USD.

Đặc biệt, việc siết dần tín dụng ngoại tệ cũng phù hợp với chủ trương chống đôla hóa trong nền kinh tế. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đưa ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Trên thực tế, việc siết chặt hơn hoạt động cho vay ngoại tệ thời gian qua đã góp phần duy trì ổn định tỷ giá. Còn nhớ những năm trước đây, tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ thường cao hơn nhiều so với tín dụng bằng đồng nội tệ do lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn. Hệ quả là giai đoạn cuối năm, khi nhiều khoản vay đến kỳ đáo hạn, các doanh nghiệp lại đổ xô mua gom ngoại tệ trên thị trường để trả nợ, khiến thị trường ngoai hối những tháng cuối năm thường “nổi sóng”.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam qua các năm  
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam qua các năm  

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, do tín dụng ngoại tệ sụt giảm, cộng thêm nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế dồi dào đã giúp thị trường ngoại tệ, tỷ giá cơ bản ổn định bất chấp những biến động từ bên ngoài. Tỷ giá ổn định chẳng những giúp NHNN không phải tiêu tốn kho dự trữ ngoại hối, mà còn mua thêm được nhiều ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối. Số liệu được công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra mới đây cho thấy, hiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt tới mức kỷ lục mới, 92 tỷ USD.

Mặc dù tiếp tục siết chặt tín dụng ngoại tệ, tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động này theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, song giới chuyên gia cũng cho rằng, cần có lộ trình cụ thể. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID- 19, cơ quan quản lý chưa nên tính tới việc siết chặt thêm tín dụng ngoại tệ.