Chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu
Tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐ, TB - XH) đưa ra 2 phương án về tuổi nghỉ hưu: (1) giữ nguyên như hiện hành; (2) từ năm 2021 khi nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi mỗi năm sẽ tăng thêm thời gian làm việc 6 tháng, cho tới khi nữ đủ 60 tuổi, nam đủ 62 tuổi. PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn không ủng hộ phương án 2 vì có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Chưa phải lúc
Phóng viên: Quan điểm của ông như thế nào về việc Bộ LĐ, TB - XH mới đây đưa ra 2 phương án về tuổi nghỉ hưu?
PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn. |
Thứ nhất, với mức độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, ngay cả những ngành thâm dụng lao động khá lớn vẫn chưa thể “hấp thụ” được hết lực lượng lao động Việt Nam.
Thứ hai, tính đến quý IV năm 2017, nước ta còn hơn 400 nghìn người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, học nghề nhưng chưa có việc làm.
Thứ ba, có lẽ ít nhất trong 7 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam mới đủ khả năng hấp thụ được hết số lao động dư thừa ấy.
Phải chăng là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ?
Đúng vậy! Nếu lao động nữ trên 55 tuổi và nam trên 60 tuổi tiếp tục tham gia vào thị trường việc làm thì đương nhiên số lao động dư thừa sẽ nhiều hơn nữa. Vì vậy tôi cho rằng chưa nên đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu hay còn gọi là tăng tuổi làm việc vào lúc này.
Theo ông khi nào mới có thể tăng tuổi làm việc cho người lao động?
Để thực hiện được chủ trương này, điều kiện tiên quyết là thị trường lao động phải chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt nhân lực, khi đó thay vì thuê lao động nước ngoài chúng ta sẽ tăng tuổi làm việc cho người lao động. Khi tăng tuổi làm việc cho người lao động thì đồng thời phải cơ cấu lại nguồn nhân lực của nền kinh tế.
Một trong những lý do quan trọng để Bộ LĐ, TB - XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm giảm nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí. Theo ông điều này có thuyết phục không?
Tôi phải nhấn mạnh rằng, thị trường bảo hiểm xã hội là một lĩnh vực khác không liên quan đến thị trường việc làm nên đừng kéo thị trường bảo hiểm dính vào thị trường việc làm. Nếu vì sợ vỡ quỹ mà tăng tuổi làm việc thì tính sao việc gần nửa triệu lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm dài hạn? Tôi đã được tham gia khóa tập huấn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Ý về sự bền vững của thị trường lao động, khi tôi đưa dữ liệu của Việt Nam vào chương trình chạy thử, họ nói rằng với những dữ liệu đó thì không có cớ gì để nói rằng đến năm 2024 chúng ta cạn nguồn để chi trả bảo hiểm xã hội.
Chỉ nên điều chỉnh ở một vài ngành đặc thù
Mới đây Viện Công nhân - Công đoàn tiến hành khảo sát đội ngũ công nhân lao động về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Kết quả của cuộc khảo sát này như thế nào, thưa ông?
Viện Công nhân - Công đoàn vừa mới thực hiện khảo sát ở một số ngành là dệt may, chế biến thủy hải sản, đường, điện tử - điện lạnh với 5.200 phiếu hỏi. Kết quả cho thấy, 100% công nhân lao động không muốn kéo dài thêm thời gian làm việc. Người lao động rất muốn làm việc đến tuổi 55 với nữ và 60 tuổi nam như hiện nay sẽ được nghỉ hưu, trong số đó có 25% người lao động muốn nghỉ sớm hơn, đặc biệt trong ngành may mặc và ngành làm cầu đường giao thông.
Việc công nhân không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, họ là lao động trực tiếp sản xuất, làm việc ở các nhà máy trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, lại chịu áp lực tăng ca thường xuyên như các ngành da giày, cầu đường, hóa chất… Ngoài ra, tôi theo dõi thấy những người muốn thêm tuổi làm việc phần lớn đang giữ những cương vị lãnh đạo, những người có mức lương cao, có bổng lộc, những công việc không quá nặng nhọc.
Theo ông, một số ngành nghề nào có thể tăng tuổi nghỉ hưu và phải áp dụng như thế nào thì phù hợp?
Đối với nhóm lao động trực tiếp không nên đặt ra việc nâng tuổi nghỉ hưu. Còn với nhóm lao động gián tiếp, khi đã đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan, doanh nghiệp có thể trưng cầu ý kiến của người lao động. Trong trường hợp, người lao động muốn làm thêm hoặc doanh nghiệp có nhu cầu có thể tiếp tục sử dụng. Nếu người lao động muốn được nghỉ ngơi, doanh nghiệp, cơ quan phải tôn trọng ý muốn của người lao động.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chỉ nên tăng tuổi làm việc của một số ngành nghề đặc thù như các ngành khoa học kỹ thuật, giáo dục, khu vực hành chính... nhưng không nên đưa vào Bộ luật Lao động mà nên điều chỉnh thông qua Thông tư, như vậy sẽ linh hoạt hơn và không gây “bó hẹp” thị trường lao động. Nếu đưa vào Luật chúng ta dễ rơi vào dạng lợi ích nhóm bởi vì nó chỉ là lợi ích của một bộ phận chứ ko phải toàn bộ.
Xin cảm ơn ông!