8 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2018

Theo Báo Nghệ An

Quy định về chữ ký số trên văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; thay đổi yêu cầu tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung; hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh trường phổ thông; xác định dự toán chi phí tư vấn đầu tư phát triển đô thị;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2018.

Quy định về chữ ký số trên văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước

8 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2018 - Ảnh 1

Thông tư 41/2017/TT-BTTTT quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử (VBĐT) trong cơ quan nhà nước sẽ có hiệu lực từ 05/02/2018. Theo đó: việc ký số được thực hiện thông qua phần mềm ký số và được thông báo thành công hoặc không thành công khi ký trên VBĐT.

Trường hợp quy định người có thẩm quyền ký số trên VBĐT, thông qua phần mềm ký số thì người có thẩm quyền sử dụng khóa bí mật cá nhân để thực hiện việc ký số vào VBĐT.

Trường hợp cơ quan, tổ chức ký số trên VBĐT, thông qua phần mềm ký số thì văn thư được giao sử dụng khóa bí mật con dấu của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc ký số vào VBĐT.

Xác định dự toán chi phí tư vấn đầu tư phát triển đô thị

8 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2018 - Ảnh 2
Thông tư 12/2017/TT-BXD về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị do Bộ Xây dựng ban hành.

Theo đó, việc xác định dự toán chi phí tư vấn đối với các công việc đầu tư phát triển đô thị như: chi phí nhân công trực tiếp, chi phí quản lý… được hướng dẫn như sau:

Chi phí nhân công trực tiếp (Ccg): xác định theo số lượng nhân công trực tiếp, thời gian làm việc của chuyên gia (số lượng tháng - người, ngày - người hoặc giờ - người) và tiền lương của nhân công trực tiếp.

Chi phí quản lý (Cql): xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) chi phí chuyên gia.

Chi phí khác (Ck): xác định theo dự kiến nhu cầu cần thực hiện của từng loại công việc tư vấn.

Thu nhập chịu thuế tính trước (TN): xác định bằng 6% của (Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí quản lý).

Thuế giá trị gia tăng (VAT): xác định theo quy định hiện hành.

Chi phí dự phòng (Cdp): xác định tối đa không quá 10% so với toàn bộ các khoản chi phí nói trên.

Thông tư 12/2017/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

Quy định mới về khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

8 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2018 - Ảnh 3
Nội dung này được quy định tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN có sự thay đổi sau: phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người (quy định hiện hành là 01 triệu đồng) để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định về BHXH, BHYT để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ BHYT và quỹ BHTN cho người lao động.

6 trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế

8 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2018 - Ảnh 4
Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP quy định ngoài những trường hợp bắt buộc theo Điều 206 BLTTHS 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế những trường hợp cần thiết như:

Xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm;

Truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử;

Xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác;

Xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư;

Gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra;

Xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính,…và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.

Việc trưng cầu giám định trong những trường hợp trên chỉ thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Khai thác tàu thuyền quá niên hạn sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng

8 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2018 - Ảnh 5
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 142/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Theo đó, đối với hành vi khai thác tàu thuyền quá niên hạn sử dụng sẽ bị xử phạt như sau: phạt tiền từ 65 - 75 triệu đồng đối với nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú du lịch ban đêm; phạt tiền từ 55 - 65 triệu đồng đối với phương tiện chuyên vận tải hành khách có sức chở trên 12 người mà không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí; phạt tiền từ 45 - 55 triệu đồng đối với phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở khí hóa lỏng, tàu đệm khí.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 02 đến 03 tháng.