Chuẩn bị gì cho thời "hậu khủng hoảng"?

Theo VnEconomy

Hiện nay chưa ai có thể nói chính xác được rằng, bao giờ cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ kết thúc và kinh tế thế giới phục hồi.

Cho dù đã xuất hiện vài dấu hiệu ở nước này hay nước khác, ở khâu này hay khâu khác cho thấy sự tụt dốc có phần chững lại song chưa thể nói tới sự phục hồi.

Giả dụ cuối năm nay hay đầu năm sau kinh tế thế giới có đổi chiều đi nữa thì cũng mới chỉ là vượt ngưỡng âm; để lấy lại phong độ của thời kỳ "tiền khủng hoảng" có lẽ còn phải mất mấy năm nữa.

Tương tự như vậy, kinh tế nước ta cũng đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên chiều hướng này tiến triển ra sao sẽ còn tuỳ thuộc vào những nỗ lực của bản thân chúng ta và diễn biến của kinh tế thế giới.

Dù sao đi nữa, đi đôi với những biện pháp chống suy giảm kinh tế, đã đến lúc tích cực, chủ động chuẩn bị cho thời "hậu khủng hoảng".

Chủ động xâm nhập thị trường xuất khẩu

Do xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế nước ta và cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động vào Việt Nam trước hết thông qua kênh này nên đáng được quan tâm trước hết.

Để đón lõng những cơ hội mới mở ra trong thời "hậu khủng hoảng" thì có lẽ nên theo dõi sát sao và cố gắng dự báo xem nước nào và lĩnh vực nào hồi phục trước để chủ động tranh thủ xâm nhập thị trường cho đúng lúc và đúng chỗ.

Tuy vẫn cần tiếp tục kiên trì chủ trương đa dạng hoá thị trường, song trước hết vẫn nên quan tâm tới các thị trường xuất khẩu chủ yếu như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Hơn lúc nào hết công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh đi đôi với việc chủ động nối lại quan hệ với các bạn hàng cũ và tìm kiếm các đối tác mới.

Sau cơn suy giảm, các doanh nghiệp chắc vẫn cần có sự trợ giúp của Nhà nước dưới những hình thức khác nhau... trong khuôn khổ các cam kết quốc tế để tránh bị khiếu kiện.

Đương nhiên những biện pháp tình thế đó cần được giảm dần theo với đà khôi phục để tránh gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng hơn, đồng thời làm cho các doanh nghiệp quen dần trở lại với cơ chế làm ăn trong điều kiện bình thường.

Trong thời "hậu khủng hoảng" sự cạnh tranh sẽ càng gay gắt vì nước nào cũng ra sức tận dụng thị trường bên ngoài sôi động trở lại để tiêu thụ sản phẩm ứ đọng, tháo gỡ khó khăn nội tại tích tụ trong cơn khủng hoảng. Sẽ xuất hiện nhiều biểu hiện bảo hộ công khai hoặc trá hình từ đó dễ xẩy ra các vụ tranh chấp, khiếu kiện. Có lẽ các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp nên quan tâm kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý.

Sau khủng hoảng, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới sẽ tăng đi đôi với sản xuất, tiêu dùng trong nước và dòng vốn FDI sống động trở lại, làm nẩy sinh nguy cơ tái nhập siêu cao.

Vì vậy chẳng nên vội mừng trước hiện tượng ta tạm thời xuất siêu đôi ba tỷ mà nên chủ động tính trước những biện pháp hạn chế tình trạng nhập siêu quay lại.

Trong khi chủ động xâm nhập trở lại thị trường ngoài nước, thị trường trong nước vẫn cần được coi như một hướng cơ bản và lâu dài. Khi nói đến thị trường trong nước thì không chỉ coi đó là thị trường tiêu thụ mà điều quan trọng hơn là khuyến khích sản xuất và sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ được sản xuất có hiệu quả với giá thành hạ hơn ở trong nước.

Để bảo đảm yêu cầu này không chỉ kêu gọi là đủ mà cần có cả một kế hoạch căn cơ bao gồm cả khâu cơ chế, chính sách đến thiết kế, sản xuất cho phù hợp với thị hiếu, nhu cầu và sức mua trong nước, tổ chức lại khâu tiếp thị, cung ứng, phân phối, lưu thông...

Tạo môi trường hấp dẫn mọi nguồn vốn đầu tư

Một hướng khác sẽ xuất hiện trong thời kỳ "hậu khủng hoảng" là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài sẽ tái gia tăng. Tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa, nhất là giảm tối đa các thủ tục rườm rà sẽ gia tăng cơ hội thu hút nguồn lực này.

Nói như vậy không có nghĩa là thu hút với bất cứ giá nào nếu nguồn lực đó chảy quá mức vào những lĩnh vực không mong muốn như gây ô nhiễm môi trường hay các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được. Hiện tượng dòng vốn mấy tháng đầu năm nay đổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản cũng là điều nên được phân tích, xử lý thoả đáng.

Dịch vụ cũng sẽ sôi động trở lại, trong đó nổi lên ba lĩnh vực là du lịch, vận tải đường biển và hàng không, xuất khẩu lao động. Riêng về du lịch thì chỉ có thể tận dụng được cơ hội mới mở ra nếu thực hiện nhanh chóng và đồng bộ những biện pháp liên doanh, liên kết để nâng cao sức hấp dẫn của nước ta trong cả khâu chuyên chở lẫn di trú, các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm...

Nhân đây cũng cần lưu ý rằng, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên được coi là một "cơ hội vàng" để hồi phục du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đất nước.

Ngay từ bây giờ cần triển khai một chiến dịch xúc tiến mạnh mẽ, rộng khắp trên thế giới rầm rộ hơn cả chiến dịch bầu chọn cho vịnh Hạ Long. Tiếc rằng, cho tới nay chưa thẫy rõ những hoạt động ở tầm quốc tế theo hướng này.

Tất cả những hướng trên chắc sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng trở lại. Nhớ lại sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, mãi 8 năm sau, tức là năm 2005 mới đạt tốc độ tăng trưởng GDP của năm 1997 (8,4%/8,2%).

Vậy lần này tới năm nào chúng ta mới lấy lại được phong độ của năm 2007 là 8,46%? Có lẽ cũng nên nhớ lại những kinh nghiệm thu lượm được vào mươi năm trước để tìm cách rút ngắn thời gian phục hồi lần này.

Phòng chống nguy cơ tái lạm phát

Một trong những vấn đề sẽ nổi lên là đề phòng khả năng lạm phát cao quay trở lại vì một loạt nhân tố. Đó là tình hình bội chi ngân sách cao, trước mắt Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho điều chỉnh lên mức trên 8% GDP. Không loại trừ khả năng mức bội chi có thể cao hơn nữa nếu tốc độ GDP không đạt mức mong muốn, thu ngân sách giảm và phải tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ mới.

Sản xuất hồi phục, thu nhập, kể cả tiền lương đưa tới tiêu dùng gia tăng sẽ đòi hỏi thêm vốn, thêm tiền. Giá cả trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại cũng tạo lực đẩy mới. Dòng vốn nước ngoài vào nhiều hơn sẽ đặt ra yêu cầu nội tệ hoá...

Vấn đề ở chỗ làm thế nào để vừa tiếp sức cho nền kinh tế tận dụng được những khả năng mới của thời hậu khủng hoảng lại vừa phanh bớt các gói hỗ trợ để giảm bội chi ngân sách. Nói một cách khác là tìm ra mối tương quan hợp lý giữa chính sách nới lỏng tiền tệ để chống suy giảm kinh tế và thắt chặt lại tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát cao.

Dù sao đi nữa thì việc thắt chặt các khoản chi tiêu công không hoặc chưa cần thiết là một hướng cần được tiến hành một cách gắt gao. Thật đáng lo ngại khi tình hình giải ngân các khoản đầu tư công đối với các dự án đã được thu hẹp vẫn chậm, quy hoạch treo vẫn tràn lan, hội hè, du ngoạn nước ngoài có vẻ còn sôi động hơn cả thời dễ thở!

Chắc rằng những việc mang tính ngắn hạn và trung hạn như vậy sẽ được đặt trong mối quan hệ khăng khít với những vấn đề dài hạn hơn. Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thì không thể không cơ cấu lại vốn đầu tư, sản xuất, xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giá trị gia tăng.

Cải thiện một cách cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội; ráo riết hoàn thiện thể chế; đổi mới một cách cơ bản hệ thống giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo đứng trước những thách thức mới do những khó khăn kinh tế liên tiếp... là những việc vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang ý nghĩa cơ bản, lâu dài.

Cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng cần được tiến hành song song với việc đẩy mạnh việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả; việc hỗ trợ theo kiểu bình quân chủ nghĩa có thể làm giảm  tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.

Tóm lại xử lý các vấn đề "hậu khủng hoảng" không kém phần cấp bách, phức tạp so với việc đối phó với khủng hoảng. Điều này đòi hỏi một kế hoạch tổng thể, sự tiến hành một cách chủ động tích cực.