Chứng khoán cuối năm 2014: Đích nhắm 550 điểm
(Tài chính) Kịch bản kinh tế Việt Nam 2014 được nhìn nhận sẽ khả quan hơn năm 2013. Tuy nhiên, khả năng phục hồi sẽ diễn ra chậm do sức cầu còn yếu. Vì thế, một số kênh đầu tư tuy bắt đầu có cơ hội lớn, nhưng khả năng phân hóa cơ hội cũng rất cao.
Theo dự báo của chúng tôi đà tăng trong quý I/2014 sẽ giảm và nhiều khả năng vào quý II thị trường sẽ dao động quanh mức 550 và thậm chí hướng về mức 500 điểm.
Tăng nóng
Trong quí I, 2 tháng đầu năm 2014, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tăng điểm mạnh và thanh khoản cải thiện đáng kể chủ yếu nhờ các thông tin hỗ trợ như: (1) Tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng hồi phục kinh tế trong năm 2014 và TTCK được xem là nơi đầu tiên để nhà đầu tư gửi gắm niềm tin đó. (2) Các ngân hàng chủ trương giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh tín dụng khiến nguồn tiền gián tiếp chảy vào TTCK tăng mạnh. (3) Các công ty chứng khoán tăng cường cho khách hàng sử dụng margin cũng là nhân tố quan trọng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong thời gian vừa qua.
Những ngành có giá cổ phiếu tăng mạnh so với đầu năm gồm: Dầu khí (29%), Dịch vụ tài chính (27%), Công nghệ thông tin (25%), Bất động sản (BĐS) (23%), Xây dựng (20%) trong khi ngành Hoá chất và Bán lẻ lại có mức tăng. Riêng giá cổ phiếu ngành du lịch và giải trí lại đi ngược xu hướng, giảm tới 10% so với đầu năm.
Phân loại theo quy mô vốn hoá, nhóm cổ phiếu bluechip trong rổ VN30 bình quân tăng khoảng 21%/cổ phiếu, nhóm cổ phiếu trong rổ Việt Nammidcap tăng bình quân khoảng 17%/cổ phiếu trong khi nhóm cổ phiếu trong rổ Smallcap tăng bình quân 19%/cổ phiếu. So với đầu năm, P/E trên sàn HSX tăng 14,3% so với đầu năm, tương đương P/E = 15 lần, P/E trên sàn HNX tăng 20% so với đầu năm tương đương P/E = 21 lần. BĐS và xây dựng là 2 ngành có tốc độ tăng giá cổ phiếu cao nhất thị trường. Trong bối cảnh thị trường BĐS 2014 dự báo vẫn chưa có nhiều cải thiện thì việc tăng giá này chưa có nền tảng vững chắc.
Nhóm VN30 tăng mạnh trong tháng 1 nhưng xu hướng trong cuối tháng 2 nhà đầu tư tập trung vào nhóm cổ phiếu Midcap và Penny cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn đối với thị trường. Tuy nhiên TTCK đã tăng xấp xỉ mức tăng của cả năm 2013. Điều này cho thấy kỳ vọng chứng khoán tăng điểm tiếp trong quý II thiếu yếu tố hỗ trợ, và như vậy sẽ rất rủi ro cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Nói về khối ngoại, trong 2 tháng đầu năm 2014, khối ngoại mua trong hơn 2.858 tỉ đồng trên 2 sàn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy TTCK trong thời gian qua tăng điểm mạnh mẽ chủ yếu nhờ lực đẩy của nhà đầu tư nội địa. Đây là một tín hiệu khá bất ngờ trên thị trường vốn xem nhà đầu tư nước ngoài là một tác nhân quan trọng định hướng cho TTCK Việt Nam.
Đặc biệt, trong tháng 1/2014 khối ngoại mua ròng rất mạnh trên 2 sàn nhưng bắt đầu tư tháng 2/2014 lực mua bắt đầu giảm xen kẽ những phiên bán ra chốt lời. Và nếu so sánh với thị trường bên ngoài thì P/E hiện tại của chứng khoán Việt Nam đã ngang bằng với P/E của chứng khoán Mỹ ở những thời điểm bình thường trong khi tháng 3, chỉ số Việt Nam-Index vẫn tiếp tục tăng nóng.
Tất cả những tín hiệu đó tập hợp lại, cho thấy quí I/2014, TTCK đã tăng nóng và rủi ro đảo chiều là rất cao.
Khó giữ đà tăng
Trong đó, yếu tố bất lợi thứ nhất là: Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên chưa thể tạo sự hỗ trợ mạnh mẽ cho TTCK. Cụ thể, kết quả kinh tế quý I cho thấy sức cầu trong dân vẫn còn yếu nên lạm phát tăng thấp và doanh thu bán lẻ 2 tháng đầu quý I tăng chậm, tỷ lệ tồn kho vẫn ở mức cao, tín dụng tăng trưởng âm và các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn rất khó giải ngân cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Ngoài ra nợ xấu vẫn còn cần nguồn lực và thời giản để giải quyết, trong đó thị trường BĐS dù có dấu hiệu tan băng nhưng khó khởi sắc trong năm 2014 sẽ khiến các NHTM tiếp tục phải xử lý nợ xấu. Trong khi đó các NHTM và chương trình BĐS đang là nhân tố tăng mạnh TTCK các tháng đầu năm. Do vậy trong giai đoạn tới sẽ khó sử dụng 2 động lực này để kích thị trường.
Tóm lại, trong quý I/2014 TTCK đã có xu hướng tăng mạnh nhưng càng về cuối quý thì lực cầu sẽ có xu hướng sụt giảm do các yếu tố kích thị trường như tăng trưởng BĐS, vốn ngoại sẽ không còn tác động. Một yếu tố khiến thị trường lo ngại là dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi do Mỹ giảm các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang bị xem là thị trường cận biên và dòng vốn FII vẫn rất thấp so với một số nước khác trong khu vực. Nhờ đó động thái điều chỉnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ không ảnh hưởng lớn đến TTCK của Việt Nam trong năm 2014.
Dự báo trong quý II và quý III/2014, thị trường sẽ giao dịch quanh mức 550 điểm do các yếu tố kỳ vọng đã phản ánh hết trong quý I và nền kinh tế vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc và trong tình huống xấu có thể quay về mức 500 điểm. Trong giai đoạn cuối năm 2014, cùng với những tiến triển của nền kinh tế, TTCK sẽ có đợt tăng mới nhưng sẽ khó đạt qua mức 600 điểm của tháng 3, mà nhiều khả năng trong vùng 550 - 580 điểm.
1. Các ngành Xuất khẩu, bao gồm thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ thị trường xuất khẩu và chính sách tiền tệ; ngành cao su giá tiếp tục ở mức thấp do nhu cầu của Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục suy yếu; ngành Café với sản lượng xuất khẩu sẽ tăng và giá thuận lợi hơn do Brazil gặp hạn hán; Dệt may sẽ là ngành xuất khẩu chủ lực với mức trưởng tốt nhờ nền kinh tế các nước phát triển phục hồi và các hiệp định TPP; đặc biệt ngành gỗ xuất khẩu năm 2014 sẽ khả quan hơn do thuận lợi từ thị trường và Trung Quốc gặp một số khó khăn. Theo đó, ngành gỗ trong nước cũng dần dần phục hồi trở lại.
2. Các ngành nội địa, bao gồm ngành bán lẻ năm 2014 sẽ tăng chậm và có sự cạnh tranh rất lớn; Ngành du lịch sẽ cải thiện hơn năm 2013 do khách quốc tế tiếp tục tăng từ hồi phục kinh tế, mặc dù nguồn khách nội địa sẽ vẫn còn khó khăn; ngành Thép tiếp tục khó khăn trong năm 2014 vì hàng tồn kho lớn nhưng một số doanh nghiệp sẽ thuận lợi nếu tận dụng được các Hiệp định thương mại và đặc biệt TPP.