Chứng khoán phái sinh: 'Miếng bánh' bị chia nhỏ vẫn hấp dẫn

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Tháng 8 vừa qua, thanh khoản sụt giảm mạnh so với hồi tháng 6 và tháng 7, nhưng thị trường phái sinh lại chào đón hai thành viên mới. Như vậy, “miếng bánh” thị phần đã bị chia nhỏ ra thành 11 phần, nâng mức độ cạnh tranh ngày càng cao.

 Thị trường phái sinh ngày càng hấp dẫn. Nguồn: Internet
Thị trường phái sinh ngày càng hấp dẫn. Nguồn: Internet

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, bức tranh thị phần trên thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ngày càng được định hình rõ nét, đóng vai trò quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK).

Cuối tháng 8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phái sinh cho CTCK ACB (ACBS), nâng tổng số thành viên trên thị trường phái sinh lên con số 11.

Nhiều nhân tố mới

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã chấp thuận tư cách thành viên giao dịch TTCK phái sinh đối với CTCK Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Trong những tháng cuối năm, dự kiến thị trường phái sinh sẽ đón thêm một vài thành viên giao dịch mới. Gần đây nhất, HNX cho biết đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thành viên giao dịch phái sinh của CTCK Mirae Asset (MAS) và CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSC – CTS).

Hiện tại, HNX đang xem xét hồ sơ theo quy định tại Quy chế thành viên TTCK phái sinh đối với hai CTCK nêu trên.

Để chuẩn bị cho việc tham gia TTCK phái sinh, Mirae Asset Việt Nam đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), cho biết SHS cũng đang chuẩn bị các thủ tục để trở thành thành viên giao dịch trên TTCK phái sinh.

Theo đó, cùng với việc đạt tỷ lệ an toàn tài chính trên 260% liên tục từ tháng 7/2017 đến nay, SHS sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ lên 2.070 tỷ đồng nhằm đáp ứng đủ điều kiện tham gia thị trường theo quy định.

Cũng theo ông Tiến, với diễn biến như hiện tại, SHS dự kiến sẽ chính thức tham gia TTCK phái sinh vào cuối năm 2018 như kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Hiện, ngoài ACBS và VDSC vừa chính thức góp mặt vào danh sách thành viên trên thị trường phái sinh, còn có 9 thành viên là: CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK MB (MBS), CTCK VCB (VCBS) CTCK Tp.HCM (HSC), CTCK VNDirect (VND), CTCK VPBank (VPBS), CTCK KIS Việt Nam (KIS), CTCK Bản Việt (VCSC).

Trên thực tế, ngoài những cái tên đã được nêu trên vẫn còn nhiều CTCK khác đã đủ hoặc sắp đủ điều kiện về vốn điều lệ để tham gia “sân chơi” phái sinh như CTCK Agriseco (AGR), CTCK Sacombank (SBS), CTCK FPT (FPTS)…

Với nhu cầu của các nhà đầu tư về phái sinh ngày càng lớn, không riêng gì các CTCK lớn, mà hầu hết các công ty trong ngành đều đang phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn gia nhập thị trường sôi động này.

Theo VDSC, kể từ khi khai trương đến nay, thị trường phái sinh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng với khối lượng giao dịch tháng sau cao hơn tháng trước.

Tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018 bình quân đạt 35%/tháng, đặc biệt khối lượng giao dịch tăng mạnh từ tháng 5/2018 đến nay khi thị trường cơ sở có biến động mạnh.

“Cuộc chơi” ngày càng đông

Trong tháng 8, giao dịch thị trường phái sinh đã giảm so với các tháng trước, nhưng lượng tài khoản giao dịch vẫn tiếp tục tăng lên, đến thời điểm cuối tháng 8 đạt 43.453 tài khoản, tăng 9,64% so với tháng trước.

Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,7%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm khoảng 0,76% khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Hoạt động tự doanh của các CTCK chỉ chiếm 0,71% khối lượng giao dịch, giảm so với tháng 7. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 12,4% so với tháng 7, tuy nhiên cũng chỉ chiếm 0,13% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Khối lượng giao dịch tăng trưởng ổn định tỷ lệ thuận với doanh thu mà các CTCK có thể thu về kèm theo đó, khoản lợi nhuận “kếch xù” mà các giao dịch phái sinh mang lại cho CTCK.

Trên thị trường cổ phiếu, các CTCK thu phí 0,15%-0,5% giá trị giao dịch, phí giao dịch phái sinh sẽ thu trên số lượng hợp đồng mỗi chiều mua/bán.

Đáng chú ý, mức phí giao dịch là do các CTCK tự xây dựng và thực tế chứng minh sau khoảng 3 tháng đầu miễn phí, các CTCK sẽ áp dụng thu phí với nhà đầu tư từ trên 10.000 đồng đến dưới 30.000 đồng cho mỗi hợp đồng mở/đóng vị thế.

Đối với trường hợp đóng vị thế trong ngày, mức phí ưu đãi hơn, từ 10.000 đồng cho mỗi hợp đồng. Hiện, do áp lực cạnh tranh, các CTCK đã đua nhau tung ra nhiều chương trình ưu đãi phí giao dịch và hướng đến giảm lãi suất vay margin để thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với thực tế giao dịch tập trung ở các kỳ hạn ngắn và giả định phí bình quân khoảng 10.000 đồng/hợp đồng, tổng doanh thu của các CTCK từ môi giới phái sinh có thể đạt vài chục tỷ đồng một tháng.

Chỉ tính riêng 1,8 triệu hợp đồng trong tháng 8, mỗi CTCK trong danh sách dẫn đầu thị phần như VND, HCM, MBS có thể “bỏ túi” doanh thu vài tỷ đồng tiền phí.

Đối với những “ông lớn” trong ngành chứng khoán như SSI hay HSC, vài tỷ đồng là con số không hề lớn, nhưng doanh thu này sẽ tăng trưởng theo khối lượng giao dịch trên thị trường.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc SHS, cũng đưa ra nhận định lạc quan đối với tình hình kinh tế trong 6 tháng cuối năm, cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong chỉ số VN30 – chỉ số cơ sở của các hợp đồng tương lai. Do đó, “miếng bánh” phái sinh ngày càng trở nên hấp dẫn khiến nhiều CTCK muốn “nhảy vào cuộc chơi”.