Vận hành tốt hệ thống bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh:
Góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán phái sinh
Kể từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam chính thức khai trương và đi vào hoạt động (ngày 10/8/2017) cho đến nay, thị trường đã bắt đầu có sự tăng trưởng về nhiều mặt, các mảng hoạt động đã được tổ chức và vận hành hiệu quả, ý thức tham gia của nhà đầu tư, các thành viên bù trừ được đánh giá là khá tốt.
TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có những chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên: Thưa ông, trên cương vị là người đứng đầu VSD, đơn vị được giao đảm nhận tổ chức và vận hành hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh (CKPS) theo mô hình đối tác trung tâm (CCP), xin ông đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống thanh toán bù trừ cho TTCK phái sinh Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam |
TS. Nguyễn Sơn: Từ ngày 10/8/2017, VSD đã triển khai thành công hoạt động bù trừ giao dịch CKPS. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của TTCK phái sinh và là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của TTCK Việt Nam sau 17 năm hình thành và phát triển, đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khối ASEAN, bên cạnh Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, có TTCK phái sinh và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này, góp phần vào hoàn thiện cấu trúc thị trường vốn Việt Nam bao gồm thị trường giao ngay (thị trường cơ sở) và thị trường giao sau (thị trường phái sinh).
Sau hơn một năm đi vào vận hành, TTCK phái sinh đã và đang làm tăng tính hiệu quả, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch (GTGD) và thanh khoản thị trường.
Tại thời điểm ngày 25/7/2018, đã có 38.861 tài khoản của nhà đầu tư được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán CKPS của VSD, tăng gấp 12,11 lần so với ngày đầu khai trương thị trường. Số lượng hợp đồng mở tại ngày 25/7/2018 lên đến 18.569 hợp đồng, tăng gấp 91,93 lần so với ngày đầu khai trương thị trường.
Từ ngày 10/8/2017 đến ngày 25/7/2018, số mã hợp đồng đã giao dịch là 16 mã, trong đó có 12 mã đã đáo hạn, 4 mã đang giao dịch (VN30F1808, VN30F1809, VN30F1812, VN30F1903). Tính đến ngày 25/7/2018, tổng GTGD trên TTCK phái sinh đạt gần 880.598 tỷ đồng; tổng giá trị thanh toán giao dịch CKPS là gần 1.925 tỷ đồng.
Tính riêng ngày 25/7/2018 so với ngày đầu khai trương thị trường, GTGD trên TTCK phái sinh là hơn 11.243 tỷ đồng, tăng 307,9 lần; giá trị thanh toán giao dịch CKPS đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 81,75 lần. Điều đáng nói là từ khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động đến nay, không có thành viên nào phải sử dụng quỹ bù trừ để đảm bảo khả năng thanh toán.
Cùng với những kết quả đã đạt được trong hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch CKPS, công tác giám sát thành viên bù trừ cũng đã được VSD đặt lên hàng đầu, trong đó bao gồm giám sát tuân thủ và giám sát rủi ro.
Hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch CKPS rất phức tạp và tiềm ẩn không ít rủi ro, đòi hỏi CCP, các thành viên thị trường đều phải tuân thủ chặt chẽ các cơ chế phòng ngừa rủi ro. Do vậy, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, VSD đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thành viên thị trường bám sát mọi diễn biến của thị trường, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Hiện giám sát rủi ro về tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và giới hạn vị thế được VSD thực hiện theo cơ chế thời gian thực, mọi tài khoản vi phạm đều được VSD phát hiện và phối hợp với HNX, thành viên bù trừ xử lý kịp thời, không để xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường trong thanh toán giao dịch hoặc dấu hiệu nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, VSD cảnh báo, yêu cầu thành viên bù trừ giải trình, cung cấp tài liệu và thông tin liên quan và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đồng thời thông báo kịp thời cho HNX các trường hợp vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, vi phạm giới hạn vị thế.
Ngoài ra, VSD cũng phối hợp với UBCKNN kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với các đối tượng giám sát thuộc phạm vi quản lý của mình; xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm, báo cáo UBCKNN xử lý theo quy định pháp luật trong trường hợp vượt quá thẩm quyền; lập và gửi UBCKNN báo cáo giám sát định kỳ, bất thường, theo yêu cầu và báo cáo phục vụ công tác giám sát.
Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, VSD đã kịp thời phát hiện 123 tài khoản vi phạm, phối hợp với HNX tạm đình chỉ giao dịch đối với các tài khoản này và hướng dẫn các thành viên bù trừ liên quan để các thành viên này khắc phục vi phạm ngay trong ngày, đồng thời báo cáo UBCKNN theo quy định. Có thể nói, công tác giám sát hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch CKPS đã được VSD thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Nhờ đó đảm bảo cho TTCK phái sinh luôn vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả.
Như vậy, sau khi TTCK phái sinh ra đời, Việt Nam đã hình thành một thị trường tài chính có cấu trúc hoàn chỉnh, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, qua đó không chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng khả năng thu hút dòng vốn ngoại, khả năng nâng hạng thị trường mà còn giúp thị trường tiếp cận và dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, TTCK cơ sở được coi là "hàn thử biểu" cho nền kinh tế, còn TTCK phái sinh lại chính là những “dự báo” cho hàn thử biểu này. Vậy, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa TTCK cơ sở với TTCK phái sinh tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?
Quan điểm TTCK cơ sở là “hàn thử biểu” của nền kinh tế là đề cập đến vai trò trong đánh giá hoạt động của doanh nghiệp và vai trò tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của TTCK.
TTCK là nơi đánh giá giá trị của doanh nghiệp và tình hình của cả nền kinh tế một cách tổng hợp và chính xác thông qua chỉ số giá chứng khoán trên thị trường. TTCK cũng là nơi cung và cầu vốn dài hạn gặp nhau. Trên TTCK, giá cả các chứng khoán phản ánh sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và các ngành kinh tế nói chung.
Chỉ số giá của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá của các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, vai trò “hàn thử biểu” của TTCK còn thể hiện khi nền kinh tế có sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Khi đó, sự liên thông giữa TTCK trong nước với TTCK quốc tế ngày càng chặt chẽ, mọi sự biến động của TTCK quốc tế sẽ ảnh hưởng tới TTCK trong nước và phản ánh trực tiếp vào chỉ số chứng khoán của thị trường.
Chẳng hạn, bước sang quý II/2018 sau khi vượt ngưỡng 1.200 điểm - mức cao nhất kể từ khi TTCK Việt Nam đi vào hoạt động, chỉ số VN Index luôn trong xu hướng giảm, chỉ số VN Index ngày 25/7/2018 là 927,58 điểm đã giảm 5,8% so với cuối năm 2017 và giảm 23% so với ngưỡng cao nhất đạt được vào ngày 09/4/2018. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến động đa chiều của TTCK trong thời gian qua như các yếu tố tác động từ biến động thị trường tài chính quốc tế.
Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm đã tạo tiền đề để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần 2 trong năm 2018 và có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, cùng với việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại và vượt mức 3% - mức cao nhất trong vòng 4 năm qua - đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ để vừa có lợi lại an toàn, đồng thời tạo ra xu hướng rút vốn/ khối ngoại bán ròng tại các thị trường mới nổi.
Đây là nguyên nhân khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu có xu hướng giảm mạnh trong những tháng đầu năm và trong tháng 6 (tại Mỹ, trong tháng 6, các chỉ số chính có mức giảm từ 1% - 2% so với cuối tháng trước. Tại châu Âu, các chỉ số chính có mức giảm trung bình 3% - 5% so với tháng trước.
Tại châu Á, thị trường Trung Quốc có mức giảm mạnh nhất khi chỉ số Shanghai Composite tính đến ngày 25/6 đã giảm 6,5% so với cuối tháng trước và 11,67% so với đầu năm). Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị tại Ý, căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là mối lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu khiến thị trường cổ phiếu sụt giảm trong những tháng đầu năm.
Có thể nói sự đảo chiều trong tăng trưởng của TTCK thế giới cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường trong nước sụt giảm thời gian qua. Ngoài ra, các yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước như nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư sau giai đoạn thị trường tăng mạnh; lượng cung hàng hóa gia tăng do nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đưa vào niêm yết… cũng là nguyên nhân tác động đến thị trường thời gian qua.
Như vậy, TTCK được xem là “hàn thử biểu” quan trọng của nền kinh tế bởi sự biến động của TTCK vừa phản ánh tác động của nền kinh tế trước các chính sách vĩ mô trong nước, vừa phản ánh mức độ tác động của việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô của những nền kinh tế lớn và biến động của thị trường tài chính thế giới.
Nhận định về mối quan hệ giữa TTCK phái sinh và TTCK cơ sở, theo quan điểm cá nhân tôi, TTCK phái sinh được hình thành với mục tiêu chính là hoàn thiện cấu trúc thị trường, tạo thêm một kênh phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư tham gia thị trường cơ sở, hay nói một cách cụ thể hơn là giảm thiểu những tác động bất lợi gây ra do sự biến động giá của các tài sản và công cụ trên thị trường. Ngoài ra, TTCK phái sinh còn là công cụ đầu tư chênh lệch giá (Arbitrage) về đầu cơ, giúp nhà đầu tư gia tăng cơ hội đầu tư.
Sản phẩm của TTCK phái sinh được xây dựng dựa trên sản phẩm của thị trường cơ sở và có mối quan hệ tương quan chặt chẽ với diễn biến của sản phẩm cơ sở đó, nhất là trong khoảng thời gian đáo hạn của sản phẩm khi mà giá thanh toán cuối cùng của sản phẩm phái sinh bằng với giá của sản phẩm cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng (đối với hợp đồng tương lai (HĐTL), hợp đồng kỳ hạn) hoặc chênh lệch giữa giá của tài sản cơ sở và giá thực hiện (đối với hợp đồng quyền chọn - HĐQC).
Theo đó, mối quan hệ tương tác và sự dịch chuyển nhu cầu đầu tư giữa hai thị trường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chưa thể kết luận TTCK phái sinh là “dự báo” cho TTCK cơ sở.
Do giá CKPS liên quan mật thiết đến giá tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay nên các nhà đầu tư có thể sử dụng CKPS để giảm thiểu rủi ro khi nắm giữ các tài sản giao ngay.
Như vậy, các cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào một hợp đồng CKPS để bảo vệ mình trước những biến động bất lợi xảy ra với giá trị các tài sản hoặc khoản nợ mà họ đang nắm giữ, tăng tính ổn định cho các luồng tiền (vào, ra) sẽ phát sinh trong tương lai.
Giao dịch liên quan đến hợp đồng CKPS đảm bảo rằng một sự sụt giảm giá trị của tài sản chẳng hạn sẽ được bù đắp bằng sự tăng giá trị của hợp đồng CKPS. Điều này thường đạt được bằng việc giữ một vị thế phái sinh đối lập với vị thế tài sản cơ sở hiện có.
Do vai trò phòng vệ rủi ro, đôi khi giá CKPS lại ngược chiều so với giá chứng khoán trên thị trường cơ sở. Những diễn biến vừa qua của TTCK phái sinh và TTCK cơ sở đã cho thấy điều đó. Trong những tháng đầu năm, thị trường cơ sở có 02 đợt giảm mạnh vào tháng 2 và tháng 4/2018, thì trên thị trường phái sinh đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh và có tính thanh khoản cao.
Điều này chứng tỏ tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2017 với sản phẩm đầu tiên là HĐTL chỉ số VN 30, TTCK phái sinh Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã chứng tỏ vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư khi TTCK cơ sở biến động đột ngột.
Với vai trò là tổ chức cung cấp các dịch vụ bù trừ, thanh toán và hỗ trợ sau giao dịch, xin ông cho biết quan điểm phát triển hệ thống của VSD nhằm góp phần tích cực vào việc duy trì hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của TTCK phái sinh hiện nay?
Ngay trong Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 và Nghị định số 42/2015/NĐ-CP đều đã khẳng định vai trò của VSD là đơn vị tổ chức hoạt động, bù trừ thanh toán CKPS theo mô hình CCP.
Tiếp theo đó, tại Công văn số 448/TB-BTC ngày 21/7/2015 của Bộ Tài chính về việc triển khai TTCK phái sinh, lãnh đạo Bộ cũng đã giao nhiệm vụ cho VSD tổ chức triển khai công tác bù trừ, thanh toán CKPS theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, đồng thời tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VSD và yêu cầu quản lý TTCK phái sinh trong giai đoạn khoảng 5 năm đầu đi vào hoạt động.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, VSD đã khẩn trương tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS để xây dựng bài toán yêu cầu về mặt nghiệp vụ cho hoạt động này trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc thù pháp lý của Việt Nam cũng như trên quan điểm phát triển từng bước thận trọng, hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh, nhất là rủi ro mất khả năng thanh toán.
Thực tế cho thấy, sau khi thị trường đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017 đến nay, hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch CKPS của VSD đã được vận hành an toàn thông suốt, không có trường hợp mất khả năng thanh toán xảy ra.
Qua 01 năm đi vào hoạt động, theo đánh giá của VSD, về cơ bản hệ thống bù trừ, thanh toán CKPS đã được vận hành khá tốt, góp phần vào sự tăng trưởng của TTCK phái sinh, phù hợp năng lực và kinh nghiệm quản lý rủi ro của nhà đầu tư, thành viên bù trừ cũng như tổ chức vận hành thị trường trong giai đoạn đầu.
Đối với quan điểm phát triển hệ thống trong giai đoạn tiếp theo, VSD sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá thực tiễn phát triển của thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp, trên nguyên tắc một mặt sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư linh hoạt và tiết kiệm chi phí đầu tư hơn khi tham gia giao dịch nhưng vẫn đảm bảo cho VSD trong việc kiểm soát hoạt động rủi ro, không để xảy ra trường hợp mất khả năng thanh toán, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh trên thị trường.
Theo đó, trong khuôn khổ gói thầu công nghệ thông tin 04 về “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, VSD đã có nghiên cứu và làm việc với nhà thầu để đưa ra yêu cầu về điều chỉnh chức năng hệ thống bù trừ, thanh toán CKPS dự kiến sẽ tiếp nhận, trong đó trọng tâm bao gồm: (i) yêu cầu về chức năng bù trừ thanh toán cho các HĐTL, HĐQC… với các tài sản cơ sở đa dạng là các loại chỉ số, cổ phiếu, trái phiếu và một số loại hàng hóa…; (ii) yêu cầu về chức năng quản lý rủi ro trên nguyên tắc kế thừa ưu điểm của hệ thống thanh toán bù trừ CKPS hiện tại của VSD, đồng thời tận dụng được kinh nghiệm vận hành đã được đúc kết, cụ thể hóa vào chức năng hệ thống của TTCK phái sinh Hàn Quốc.
Theo đánh giá của VSD, phương thức quản lý rủi ro mới này sẽ cung cấp thêm dư địa, không gian, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư về đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh cũng như nhu cầu của nhà đầu tư trong việc áp dụng linh hoạt các chiến lược đầu tư với chi phí đầu tư thấp hơn nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm và năng lực quản lý rủi ro về phía các thành viên bù trừ trong việc kiểm soát ký quỹ của nhà đầu tư, không để xảy ra trường hợp mất khả năng thanh toán, đảm bảo cho TTCK phái sinh vận hành an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!