Chứng khoán sẽ còn “thăng hoa”

TS. Lê Đức Khánh/diendandoanhnghiep.vn

Chu kỳ tăng điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chưa kết thúc, VN-Index có thể đạt mốc 1.650 - 1.800 trong năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TTCK Việt Nam có lẽ chưa bao giờ có những đợt tăng điểm kéo dài cũng như thanh khoản lớn như hiện nay. VN-Index đã vượt mức cao lịch sử 1.500 điểm vào cuối tháng 11/2021. Dù VN-Index đã điều chỉnh mạnh xuống 1.400 điểm, nhưng sau đó lại phục hồi mạnh trở lại cùng với đà hồi phục của TTCK thế giới.

Dòng tiền ồ ạt vào thị trường

Một trong những nguyên nhân khiến TTCK tăng điểm bùng nổ trong gần 2 năm vừa qua, đó là dòng tiền tham gia của các nhà đầu tư cá nhân gia tăng đột biến không chỉ trên TTCK Việt Nam mà còn cả trên TTCK trên thế giới.

Nếu trong giai đoạn đầu năm 2020, TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh thì nay dù đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng thị trường vẫn hấp dẫn mạnh dòng tiền. Các nhà đầu tư từ số lượng vốn nhỏ đến số lượng vốn lớn đều hào hứng với kênh đầu tư này. Theo đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục, không chỉ giúp các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu VN30 mà cả các nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa tăng giá lên đỉnh cao mới.

Dòng tiền đã tìm đến kênh đầu tư chứng khoán như là một điều tất yếu, cho dù họ chỉ có vốn đầu tư nhỏ, đối mặt thử thách tâm lý, thiếu kinh nghiệm…

Kênh đầu tư hấp dẫn

Mới chỉ cách đây gần 2 năm, thanh khoản trung bình toàn TTCK Việt Nam dao động ở quanh mốc 4.000- 5.000 tỷ đồng thì giờ đây, nó đã tăng gấp nhiều lần, lên tới 40 nghìn- 43 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn thị trường sớm muộn gì cũng sẽ tiếp gia tăng bởi quy mô TTCK Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Trong bối cảnh áp lực lạm phát cao ở nước mới nổi, đầu tư chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn nếu có sự đảo chiều chính sách sớm xảy ra. Đầu tư chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư đại chúng được đơn giản hóa bởi thông tin, kiến thức phổ cập cũng như sự tiện lợi. Dư địa tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn lớn mạnh còn nhiều. Các cổ phiếu lớn như VIC, HPG, MSN, NVL, FPT… cũng sẽ lên một mức giá mới. Trong khi đó, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam vẫn ở mức khá hấp dẫn 18.5x so với các nước khác. Đó là chưa kể đến bối cảnh kinh tế vĩ mô, dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, nhưng Việt Nam vẫn hút làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia khác.

Chứng khoán sẽ còn “thăng hoa” - Ảnh 1

 

Khối ngoại sẽ mua ròng trở lại

Theo số liệu thống kê, khối ngoại bán ròng liên tiếp cả năm 2021 trên TTCK Việt Na, ngoại trừ việc mua ròng trong tháng 7. Thế nhưng, điều này có thể sẽ bị đảo ngược trong năm 2022.

IMF, WB hay HSBC đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ quay lại mốc 6,5 – 7% trong năm 2022. Nhận định này được dựa trên việc các nhóm ngành sản xuất, chế biến chế tạo, các hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục, hay các dự án đầu tư công, giải ngân FDI tăng cường cũng sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng quay lại cuộc đua tăng trưởng mới…

Kinh tế phục hồi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, khiến các nhà đầu tư nước ngoài quay lại giải ngân vào TTCK Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta cũng đang nỗ lực gấp rút hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm, lộ trình triển khai mới các sản phẩm phái sinh; nới room ngoại; nỗ lực sớm nâng hạng TTCK giai đoạn 2022 – 2025… Do đó, các quỹ đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ đi tắt đón đầu làn sóng nâng hạng thị trường của Việt Nam.

Trợ lực khác

Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… đang có nhiều kế hoạch thoái vốn Nhà nước. Đặc biệt, rất nhiều các bộ, ban ngành cũng sẽ đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước trong năm tới. Theo đó, TTCK sẽ có nhiều hàng hóa hấp dẫn hơn, số lượng cổ phiếu dự kiến niêm yết sẽ nhiều hơn. Đây cũng là điều thu hút dòng tiền đầu tư tham gia đông đảo hơn từ công chúng.

Mặc dù thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ đối mặt với những bất ổn địa chính trị, tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, “bóng ma” lạm phát gia tăng khiến các nước sẽ phải thắt chặt tiền tệ… trong năm 2022, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều tới TTCK Việt Nam. Bởi thanh khoản tăng mạnh vẫn là tín hiệu tích cực. Do đó, các nhà đầu tư nên tận dụng con sóng chứng khoán dường như mới đang chỉ bắt đầu. VN-Index có thể sẽ vượt qua 1.500 lên 1.600 – 1.700, hoặc thậm chí 1.800 điểm trong năm 2022.