“Lực đẩy dòng vốn mới”: Kỳ vọng từ nền tảng 25 năm thị trường chứng khoán

Tuấn Thủy

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm phát triển đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhờ kỳ vọng vào dòng vốn trung và dài hạn.

Sự đồng hành của dòng vốn và chuyển động thể chế

Ngày 23/7/2025, tại Hà Nội, Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” nhân dịp thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 25 năm vận hành (28/7/2000 – 28/7/2025).

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương; Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành HOSE Trần Anh Đào và đại diện các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và doanh nghiệp niêm yết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tài chính- Đầu tư Phạm Văn Hoành nhấn mạnh, sau một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chuyển mình từ những phiên giao dịch “nhỏ giọt” với chỉ hai mã cổ phiếu, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế.

“Một điều trùng hợp thú vị là trong những ngày kỷ niệm 25 năm thị trường, chúng ta được chứng kiến những phiên giao dịch bùng nổ về giá trị và thanh khoản, vượt qua nhiều thị trường khu vực ASEAN”, ông Hoành nhấn mạnh.

Đồng thời, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư cũng đặt vấn đề: Liệu đây có phải là dấu hiệu của những “lực đẩy dòng vốn mới” và nếu có, những dòng vốn này đến từ đâu, cần điều kiện gì để phát triển bền vững hơn?

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao vai trò của Báo Tài chính- Đầu tư trong công tác thông tin, truyền thông phục vụ phát triển thị trường vốn. Nhấn mạnh chặng đường 25 năm hình thành từ con số 0, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi điểm lại những thành tựu nổi bật: Hệ thống pháp lý dần hoàn thiện; cộng đồng nhà đầu tư vượt mốc 10 triệu tài khoản; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt trên 65% GDP; nền tảng công nghệ hiện đại như hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, phản ánh sức khỏe, triển vọng và năng lực phát triển quốc gia”, Thứ trưởng Chi nói.

Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư Phạm Văn Hoành phát biểu tại Hội thảo.
Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư Phạm Văn Hoành phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, để tiếp tục khai thác hiệu quả động lực từ dòng vốn mới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, cần đánh giá kỹ các vấn đề then chốt. Trước hết là khuôn khổ pháp lý: Cần rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư nếu còn bất cập, vướng mắc; kế đến là chất lượng hàng hóa: cần thêm nhiều doanh nghiệp có quy mô, minh bạch và hấp dẫn niêm yết; tiếp đó là cơ cấu thị trường: cần cân bằng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức - cá nhân, tăng sự tham gia của các định chế tài chính chuyên nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật, cơ chế vận hành Đối tác thanh toán trung tâm (CCP) và chiến lược nâng hạng thị trường cũng là các yếu tố chiến lược mở ra lực đẩy mới cho dòng vốn.

Triển vọng mới từ vĩ mô và niềm tin nâng hạng thị trường

Dưới góc nhìn tổ chức đầu tư quốc tế, bà Đặng Nguyệt Minh- Giám đốc khối thị trường vốn Dragon Capital đã mang đến bức tranh vĩ mô đầy triển vọng cho nửa cuối năm 2025. Trong 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,25%, mức cao nhất khu vực; tín dụng tăng 9,9% so với cùng kỳ; giải ngân đầu tư công tăng tốc, đạt khoảng 11,7 tỷ USD.

Theo bà Minh, quan trọng hơn cả là viễn cảnh tăng trưởng dài hạn: Việt Nam có thể dẫn đầu Đông Nam Á về hạ tầng vào thập niên 2030–2040, trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Với kỳ vọng này, dòng vốn dài hạn có thể được kích hoạt mạnh mẽ, đặc biệt khi Việt Nam đang tiến gần đến các cột mốc nâng hạng thị trường.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng trong tháng 9 này và tiến tới lọt vào rổ thị trường mới nổi của MSCI trong 18–24 tháng tới”, bà Minh nhận định.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng, cần hành động cụ thể: cơ cấu lại thành phần nhà đầu tư, đa dạng hóa dòng tiền, cải thiện định giá thị trường đang ở mức thấp và tăng chất lượng hàng hóa để tạo hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Cũng trong tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng một lực đẩy quan trọng khác đến từ chính sách tài khóa - tiền tệ ổn định, đẩy mạnh chuyển đổi số và quá trình minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp. Những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, đi kèm kiến tạo không gian phát triển bền vững cho nhà đầu tư, sẽ là chất xúc tác đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến xa hơn trên hành trình hội nhập.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu thống nhất nhận định: 25 năm qua là nền tảng vững chắc để thị trường tiếp tục phát triển về quy mô và chiều sâu. Nhưng để tăng trưởng bền vững và bứt phá trong giai đoạn tới, cần tận dụng triệt để “lực đẩy dòng vốn mới” - dòng vốn không chỉ từ nhà đầu tư quốc tế, mà còn từ chính nội lực thị trường, từ thể chế, công nghệ và sự minh bạch.