Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng gì vào khối ngoại trong năm 2019?

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Năm 2018 đã chứng kiến dòng vốn đầu tư tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi và đang phát triển, tuy nhiên chứng khoán Việt Nam vẫn đón nhận dòng vốn rót vào ròng hơn 1,8 tỷ USD, tương đương hơn 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so năm 2017.

Chứng khoán Việt Nam đón nhận dòng vốn rót vào ròng hơn 1,8 tỷ USD, tương đương hơn 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so năm 2017. Nguồn: internet
Chứng khoán Việt Nam đón nhận dòng vốn rót vào ròng hơn 1,8 tỷ USD, tương đương hơn 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so năm 2017. Nguồn: internet

Có thể kỳ vọng gì vào chiến lược của khối ngoại trong năm 2019?

Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc mạnh trong tháng 12/2018 cho đến tận những ngày đầu năm nay, chứng khoán Việt cũng không thoát khỏi số phận chung khi chứng kiến cảnh bán tháo và liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Thống kê đến phiên ngày 3/1/2019, VN-Index đã có đến 17 phiên giảm trong số 20 phiên gần nhất, đẩy chỉ số rớt về mức thấp mới gần đây dưới 880 điểm.

Dù vậy, bất chấp thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư nước ngoài đã có 7 phiên liên tiếp vừa qua mua ròng trên HoSE, với tổng giá trị lên đến 1.027 tỷ đồng.  Đây được xem là một tín hiệu tích cực và giúp gia tăng những kỳ vọng khối ngoại sẽ tiếp tục rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, tiếp nối sự thành công của năm 2018 khi được đánh giá là thị trường thành công nhất Đông Nam Á về huy động vốn. Theo đó, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm vừa qua là 62.200 tỷ đồng, tăng 30,7% so với 2017.

Thực tế là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế suy giảm và có dấu hiệu rơi vào vòng xoáy bất ổn thì kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận một năm 2018 tăng trưởng ổn định, với các mục tiêu vĩ mô lớn đều nằm trong tầm kiểm soát và đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tăng trưởng GDP lên mức cao nhất 10 năm ở 7,08%, lạm phát cũng được kiểm soát tốt ở 3,54%, tỷ giá nằm dưới mục tiêu 2%, vốn FDI giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1 tỷ USD so 2017 và xuất siêu lên đến 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Dự báo dòng vốn đầu tư có thể quay trở lại các thị trường mới nổi và đang phát triển trong năm 2019 để tìm kiếm lợi nhuận sau khi đã trải qua thời kỳ sụt giảm mạnh. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể làm chậm lại quá trình tăng lãi suất trong năm 2019, sẽ làm dòng vốn đầu tư tự tin hơn để tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác ngoài nước Mỹ.

Với những điểm sáng về kinh tế như trên, nhà đầu tư trong nước có quyền hy vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chọn Việt Nam như là một điểm đến tiềm năng, nhất là khi hệ số P/E của thị trường hiện đã điều chỉnh về vùng hấp dẫn dưới 16 lần sau giai đoạn lao dốc thời gian qua, rẻ hơn so với các thị trường khác trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trong khi đó, theo dự  báo của nhiều tổ chức quốc tế, dòng vốn đầu tư có thể quay trở lại các thị trường mới nổi và đang phát triển trong năm 2019 để tìm kiếm lợi nhuận sau khi đã trải qua thời kỳ sụt giảm mạnh. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể làm chậm lại quá trình tăng lãi suất trong năm 2019, dòng vốn đầu tư sẽ càng tự tin hơn để tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác ngoài nước Mỹ nhiều hơn.

Đối với Việt Nam, câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ tiếp tục là "đòn bẩy" để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2018, FTSE Russell đã chính thức đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi.

Dù thông thường cần phải mất thêm 1 - 2 năm để chính thức được nâng hạng, nhưng dòng vốn của khối ngoại có thể đến sớm hơn để đón đầu xu hướng. Bên cạnh đó, kế hoạch niêm yết chính thức của những công ty lớn ở khu vực tư nhân lên sàn chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài tham gia.

Điểm đáng lưu ý là sau một thời kỳ các quỹ đầu tư phương Tây làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thời gian gần đây chứng kiến dòng vốn từ các nước phương Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore ngày càng rót vào nhiều hơn, không chỉ nhắm đến việc thâu tóm các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn mà còn tích cực tham gia các thương vụ đấu thầu thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Những yếu tố thuận lợi cho thị trường vẫn còn đó và hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong năm 2019. Tuy nhiên, mọi thứ dĩ nhiên sẽ không còn quá dễ dàng như những năm vừa qua, khi mà cũng không ít các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực vẫn chưa thật sự biến mất. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang treo  lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư toàn cầu.

Nếu tình hình Mỹ - Trung xấu đi, dù thị trường có hấp dẫn đến mức nào cũng sẽ khó có thể kích thích nhà đầu tư rút hầu bao, khi mà chiến lược ưu tiên giữ tiền mặt hoặc đầu tư vào các tài sản an toàn như vàng, tránh xa các tài sản rủi ro như chứng khoán sẽ là phương châm triệt để của những nhà đầu tư lão luyện.