Chứng thực văn bằng, chữ ký: Chưa xóa tận gốc giấy tờ giả

Theo daibieunhandan.vn

Sau hơn một năm triển khai, Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch bước đầu đã đưa hoạt động chứng thực vào nền nếp. Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp khiến nỗi lo giấy tờ giả vẫn ám ảnh cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hợp thức hóa giả thành thật?

Theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, hiện nay, tình trạng sử dụng và lưu hành giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Thực tế, khi đối tượng sử dụng bằng giả để đề nghị chứng thực bản sao từ bản chính thì cơ quan có thẩm quyền gần như không có khả năng nhận biết những giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả để từ chối việc chứng thực.

Bởi các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả được làm rất tinh vi, bằng mắt thường không thể nhận biết, mà phải đối chiếu con dấu, xác nhận hồ sơ, học bạ tại nơi cấp giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Nguy cơ này càng gia tăng khi gặp phải các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Chỉ cơ quan công an mới có thể xác định đầy đủ, hợp pháp các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ này có bị giả hay không. Vậy là do không đủ điều kiện và khả năng để xác định giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, cơ quan chứng thực đã vô tình “giúp đỡ” các đối tượng xấu hợp thức hóa các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả thành các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ thật.

Mặt khác, Điều 22 Nghị định 23/2015 không quy định bản chính bị giả mạo không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao. Dĩ nhiên, vì thế chưa có cơ chế rõ ràng để ngăn chặn việc chứng thực bản sao từ bản chính bị giả mạo. Đây cũng là quy định các cơ quan có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính bị giả mạo có thể sẽ vịn vào để né tránh trách nhiệm.

Khó cho cán bộ, khó cho dân

Điều 4 Nghị định 23/2015 quy định, các tài liệu được lưu trữ gồm Sổ chứng thực, bản giấy tờ, văn bản đã chứng thực chữ ký và bản chính hợp đồng, giao dịch, còn bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định thì cơ quan thực hiện việc chứng thực không phải lưu trữ. Song chính quy định này lại khiến các cơ quan có thẩm quyền chứng thực rất lúng túng.

Bởi nếu không lưu trữ bản sao được chứng thực từ bản chính, thì khi phát hiện sai sót đối với bản sao, không có cơ sở để xác minh, đối chiếu và xác định trách nhiệm. Trường hợp phổ biến nhất là sau khi được chứng thực bản sao bằng tốt nghiệp THPT từ bản chính, người yêu cầu chứng thực cố tình tẩy xóa, sửa chữa các thông tin trên bản sao đã chứng thực để nộp hồ sơ xét tuyển đại học.

Khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đại học phát hiện thấy nghi ngờ về nội dung bản sao được chứng thực, liên hệ đến cơ quan đã thực hiện chứng thực để xác minh thì cơ quan đã chứng thực không thể làm được. Không có bản sao chứng thực lưu trữ để đối chiếu, cơ quan chứng thực không còn cơ sở nào để xác định bản sao do chính cơ quan mình chứng thực có đúng hay không.

Hoặc trường hợp chứng thực về văn bản khai nhận di sản thừa kế, nhiều khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản kéo dài thời gian niêm yết, nhưng Nghị định 23/2015 lại không có quy định nào về thời gian niêm yết. Trong khi các văn bản hướng dẫn công tác chứng thực trước đây như Nghị định 75/2000, Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT lại quy định khá cụ thể về thủ tục và thời gian niêm yết.

Ngoài ra, Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định loại việc này phải có niêm yết trong thời gian 15 ngày.Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Nhiều cán bộ chứng thực, nhất là các cán bộ cấp xã, vịn vào quy định này để trốn tránh trách nhiệm trong trường hợp sau này phát hiện hợp đồng vi phạm các điều trên. Mặc dù Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực yêu cầu các cán bộ chứng thực phải xem xét nội dung của hợp đồng, giao dịch, nếu phát hiện không phù hợp phải từ chối chứng thực.

Song đúng là khó xác định được cụ thể với trình độ, năng lực của cán bộ, công chức cấp xã hiện nay. Hơn nữa, nếu nghe lý do này thì e đa số người dân không thể chấp nhận và lại có tâm lý cho rằng cơ quan công quyền cố tình “làm khó”.