Chuỗi cung ứng ngành Điện tử và khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam


Đến nay, khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử ngày càng lớn, thể hiện qua tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa trung gian và hàng hóa cuối cùng của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử thế giới ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy nhiều hạn chế trong khả năng tham gia của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng ngành điện tử. Trên cơ sở đánh giá thực trạng về khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng, bài viết đề xuất một số khuyến nghị trong thời gian tới.

Giới thiệu

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử ngày càng lớn, thể hiện qua tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa trung gian và hàng hóa cuối cùng của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử thế giới ngày càng tăng, thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn vào ngành Điện tử, khả năng tiếp cận các trung tâm chuỗi cung ứng ứng lớn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam chủ yếu tham gia chuỗi cung ứng ngành Điện tử thông qua các doanh nghiệp FDI ở khâu cung cấp linh kiện, gia công, lắp ráp, đóng gói sản phẩm cuối cùng. Sự tham gia của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng ngành Điện tử tại Việt Nam không cao và mối liên kết với các nền kinh tế khác trong khu vực còn khiêm tốn khiến cho khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng gặp khó khăn, giá trị gia tăng trong nước thấp.

Mối liên kết chặt chẽ của ngành Điện tử Việt Nam với các nước Trung Quốc và Hàn Quốc cũng dẫn đến nhập siêu tăng do phụ thuộc đầu vào từ nước ngoài. Do đó, việc thúc đẩy khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử ở những công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn là vấn đề cấp thiết để phát triển ngành Điện tử.

Các phân khúc trong chuỗi cung ứng ngành Điện tử ở cấp độ quốc tế

Các nhà cung ứng linh kiện điện tử khác: Các nhà cung cấp linh kiện bao trùm từ các công ty toàn cầu lớn chuyên thiết kế và sản xuất các thành phần công nghệ tiên tiến, đến các công ty rất nhỏ sản xuất các bộ phận và linh kiện. Trong nhiều năm, mô hình ngành Điện tử của Trung Quốc được đặc trưng bởi hoạt động sản xuất theo hợp đồng. Tại các khu công nghiệp ở Trung Quốc, các sản phẩm được sản xuất theo đặt hàng của các nước châu Âu, Bắc Mỹ và các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, phần lớn tất cả các thành phần của ngành công nghiệp điện tử toàn cầu (cụ thể là linh kiện radio, linh kiện máy tính...) đều được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo tính toán của nhóm tác giả từ nguồn số liệu Trademap, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Nhật Bản cũng đóng vai trò là những nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn trên thế giới, chiếm tỷ trọng tương ứng là 9,8%; 6,8%; 3,8% và 3,7% tổng xuất khẩu hàng hóa trung gian ngành Điện tử của thế giới.

Các nước cung cấp hàng hóa trung gian ngành Điện tử: Tại châu Mỹ, Mỹ và Mexico là những nước cung cấp hàng hóa trung gian ngành Điện tử lớn, chiếm lần lượt 12,1% và 4,7% tổng xuất khẩu hàng hóa trung gian ngành Điện tử thế giới (tính toán của nhóm tác giả theo cơ sở dữ liệu Trademap). Mỹ vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu linh kiện, nhưng giá trị nhập khẩu lớn hơn giá trị xuất khẩu. Mexico có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và các nước châu Á trong ngành Điện tử và cũng là nhà cung ứng lớn trên thế giới.

Các nước sản xuất sản phẩm điện tử cuối cùng: Thực tế, Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm điện tử, bao gồm: máy tính cá nhân (PC), điện thoại di động, ổ đĩa cứng (HDD) và các bộ phận cho PC, chiếm ít nhất một nửa kim ngạch xuất khẩu toàn cầu (không bao gồm hàng tái xuất khẩu) đối với máy tính cá nhân và điện thoại di động; Tiếp sau Trung Quốc là Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Mexico, Đức và Nhật Bản. Tính toán từ nguồn số liệu từ Trademap, ITC 2018-2021 cho thấy, Việt Nam cũng thuộc tốp các nước xuất khẩu hàng điện tử cuối cùng, đứng thứ 17 thế giới.

Các thị trường tiêu dùng chính: Xét về nhu cầu cuối cùng, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức là các thị trường lớn nhất cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng cuối cùng, chiếm lần lượt 15,2%, 12,4%, 5,5% và 5,2% thị phần nhập khẩu thế giới (tính toán từ nguồn số liệu từ Trademap, ITC 2018-2021). Trong tổng nhập khẩu các mặt hàng điện tử cuối cùng, Mỹ nhập khoảng 60% từ Trung Quốc và 1/5 từ Mexico. Nguồn cung cấp từ Trung Quốc chủ yếu là điện thoại di động và PC, trong khi nhập khẩu từ Mexico bao gồm: các thiết bị xử lý trung tâm máy tính (CPU), tivi và điện thoại di động. Đáng chú ý, Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ lượng PC nhập khẩu của Mỹ. Trung Quốc có khả năng sản xuất đối với một loạt mặt hàng điện tử cuối cùng và nhập khẩu linh kiện chủ yếu là thiết bị ngoại vi, bao gồm: ổ cứng từ Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan và các sản phẩm liên quan đến âm thanh/hình ảnh từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Đối với Trung Quốc, chỉ một phần ba nhu cầu về hàng hóa điện tử cuối cùng được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu, so với hơn 2/5 của Mỹ.

Chuỗi cung ứng ngành Điện tử và Khả năng tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Những thành tựu đạt được

Với những phân khúc như trên, hiện tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU vẫn nắm giữ các công nghệ sản xuất chủ chốt, tuy nhiên Đài Loan và Trung Quốc cũng tham gia ngày càng sâu vào các công đoạn sản xuất quan trọng của chuỗi cung ứng ngành Điện tử. Nhờ lợi thế về chi phí lao động và quan hệ kinh tế với Trung Quốc - trung tâm của các chuỗi cung ứng trong khu vực và thế giới, các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) đã tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử chủ yếu là phân khúc linh kiện điện tử và sản phẩm cuối cùng.

Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa trung gian và xuất khẩu thành phẩm cuối cùng của Việt Nam trong tổng thương mại ngành Điện tử thế giới ngày càng tăng, cho thấy Việt Nam tham gia ngày càng lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở công đoạn sản xuất linh kiện điện tử và hàng hóa cuối cùng. Theo tính toán của nhóm tác giả từ nguồn cơ sở Trademap, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trung gian ngành Điện tử từ Việt Nam trong tổng thương mại hàng hóa trung gian ngành Điện tử thế giới tăng gần 20 lần, từ 0,11% năm 2005 lên 2% năm 2020 (trong cùng kỳ, tỷ trọng của Trung Quốc, lại có xu hướng chững lại từ 12% năm 2005 lên 19% năm 2015 và không đổi năm 2020). Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa cuối cùng đối với ngành Điện tử của Việt Nam cũng tăng tương ứng từ 0,1% năm 2005 lên 0,67% năm 2015 và 1,3% năm 2020.

Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng ngành Điện tử chủ yếu thông qua các doanh nghiệp FDI, phần lớn với việc gia công, lắp ráp, đóng gói sản phẩm cuối cùng ở công đoạn: (1) Sản xuất linh kiện điện tử khác và (2) Các sản phẩm điện tử cuối cùng. Một trong những đặc điểm nổi bật của ngành Điện tử tại Việt Nam là chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu được điều hành chủ yếu bởi các công ty nước ngoài, trong đó các quy trình ở trong nước chỉ giới hạn trong phạm vi chức năng rất hẹp, chủ yếu là các quy trình lắp ráp sử dụng nhiều lao động. Các công ty có vai trò định hướng xuất khẩu chủ yếu là các công ty đa quốc gia (MNE), nhóm chiếm thị phần chính và tạo ra phần lớn việc làm của ngành.

Với nguồn vốn FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu thiết bị thông tin liên lạc. Trong năm 2022, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam xuất khẩu 113,53 tỷ USD; trong đó: điện thoại các loại và linh kiện chiếm trên 50%, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện 50%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Điện tử Việt Nam trong những năm gần đây có sự góp sức đáng kể và chủ yếu của khu vực FDI. Có tới 90 trong số 100 công ty điện tử hàng đầu thuộc sở hữu nước ngoài. Trong số 20 công ty điện tử hàng đầu, có 11 công ty Nhật Bản, 4 công ty Hàn Quốc, 3 công ty Đài Loan và một công ty Mỹ. Năm 2016, 20 công ty điện tử hàng đầu sử dụng 49,4% lao động toàn ngành (Electronics Watch, 2019).

Trong số các nền kinh tế châu Á, Việt Nam có mức độ tăng cường liên kết ngành công nghiệp điện tử với Trung Quốc lớn nhất do mô hình sản xuất “Trung Quốc+1”. Trung Quốc cung cấp dịch vụ gia công sản xuất thiết bị ngoại vi điện tử cũng như các linh kiện, đặc biệt là tai nghe/tai nghe và các bộ phận PC cho Việt Nam, chủ yếu dưới hình thức đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chuyên cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử (EMS). Trung Quốc cũng đang tìm kiếm nhiều vi mạch hơn từ các nhà máy bán dẫn nước ngoài được thiết lập tại Việt Nam. Do vậy, nhập khẩu trung gian của Trung Quốc từ Việt Nam đã tăng mạnh, ngay cả khi Trung Quốc tìm cách ngày càng tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước. Theo tính toán của nhóm tác giả từ nguồn số liệu về thương mại của OECD, thị phần của Việt Nam trong nhập khẩu hàng điện tử trung gian của Trung Quốc đã tăng từ gần 0% trong năm 2007 lên 5% vào năm 2017.

Ngoài Trung Quốc, các ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam. Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với các công ty, như: Samsung và LG thiết lập các cơ sở sản xuất, để khai thác lợi thế về vị trí gần Trung Quốc cũng như chi phí thấp của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất điện thoại di động cũng như các bộ phận trung gian sử dụng các linh kiện và IC nhập khẩu từ Hàn Quốc. Sau đó, những chiếc điện thoại này được xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng cuối cùng trong khi các bộ phận, linh kiện được chuyển đến Trung Quốc hoặc gửi trở lại Hàn Quốc để lắp ráp thành các sản phẩm cuối cùng. Kết quả của những mối liên kết này, Hàn Quốc hiện là nguồn cung cấp vi mạch lớn nhất và nguồn cung cấp linh kiện điện thoại di động (như: màn hình cảm ứng, màn hình hiển thị điện thoại di động, linh kiện camera, loa điện thoại, ép nhựa điện thoại, nệm cao su) lớn thứ hai cho Việt Nam, đồng thời là thị trường lớn thứ hai về xuất khẩu linh kiện điện thoại di động (bảng mạch tích hợp, vỏ sau điện thoại di động) của Việt Nam.

Một số tồn tại, hạn chế

Sự phát triển vượt bậc của ngành Điện tử của Việt Nam chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, việc gia nhập chuỗi cung ứng ngành Điện tử của Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế, bao gồm:

Thứ nhất, ngành Điện tử tại Việt Nam đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp FDI. Mặc dù Việt Nam có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp tham gia vào ngành Điện tử, doanh nghiệp trong nước chiếm 54,8% và FDI chiếm 45,18%. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp khá cao (31%) và chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Sự chi phối của các doanh nghiệp FDI trong ngành Điện tử còn được thể hiện rõ ở việc tỷ lệ lớn (trên 90%) lao động và doanh thu ngành Điện tử thuộc về khu vực FDI (NCIF, 2022). Các doanh nghiệp FDI cũng có mức năng suất lao động (NSLĐ) cao hơn doanh nghiệp trong nước. Trong số các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu cả về số doanh nghiệp, tổng vốn góp và NSLĐ, tiếp đến là Nhật Bản. Các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có NSLĐ cao vượt trội so với các nước khác. Bên cạnh đó, năng lực doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi.

Thứ hai, tỷ lệ nội địa hóa ngành Điện tử còn thấp. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành Điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. Ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, còn những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu gần như không có. Theo JETRO (2023), tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% vào 10 năm trước lên đến 37% năm 2022. trong tổng số lượng nội địa hóa, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia.

Thứ ba, mối liên kết của Việt Nam với các nền kinh tế ASEAN khác còn khiêm tốn so với mối quan hệ của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á. Singapore là nguồn nhập khẩu đáng chú ý duy nhất trong số đó và chiếm 1/5 lượng hàng điện tử nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2007. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua xuống chỉ còn 1,5% vào năm 2017. Singapore trước đây đã cung cấp hơn 1/3 nhập khẩu IC và gần một nửa nhập khẩu PC, nhưng hiện nay Việt Nam đã chuyển sang tìm nguồn cung ứng các sản phẩm này từ Hàn Quốc và Trung Quốc (Monetary Authority of Singapore, 2020). Việc thiếu kết nối với các nước khác trong khu vực sẽ khiến Việt Nam mất đi những lợi thế về địa lý, đặc biệt là giảm giá thành logistic – một trong những lợi thế khi tham gia chuỗi cung ứng.

Một số giải pháp thúc đẩy khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử của Việt Nam

Có thể thấy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản làm hạn chế khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử, vì thế để thúc đẩy khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử của Việt Nam, một số giải pháp được đề xuất như sau:

Một, cần tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà cung ứng có đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà máy điện tử hiện nay ở Việt Nam.

Hai là, Việt Nam đã tham gia một số chuỗi cung ứng điện tử trong khu vực, song chủ yếu tham gia ở công đoạn lắp ráp (với Hàn Quốc), gia công (với Trung Quốc). Hiện nay, dòng vốn FDI và lĩnh vực điện tử của Việt Nam đang tăng lên, vì thế, cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp để có thể tận dụng dòng vốn FDI này, chuyển dịch tập trung tham gia ở công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng, trước tiên là trong khu vực và sau đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip điện tử làm đầu vào cho các ngành sản xuất mạch điện tử tích hợp, đi ốt và bóng bán dẫn.

Ba là, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường tiềm năng đang có xu hướng tăng nhập khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam và/hoặc tiếp tục giảm thuế cho Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), như: Úc, New Zealand và một số nước ASEAN.

Bốn , cần tận dụng những lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu linh kiện điện tử sang Mexico để tận dụng CPTPP và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ về Mexico. Đối với RCEP: cần tận dụng cơ hội giảm thuế nhập khẩu đầu vào từ các nước cung ứng điện tử hàng đầu (Nhật Bản, Hàn Quốc) này để cải tiến công nghệ và chất lượng nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào, tăng cường hấp thụ công nghệ và phát triển ngành Điện tử trong nước.

Năm là, đẩy nhanh phát triển hệ thống cảng biển, đường giao thông và cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ làn sóng dịch chuyển sản xuất linh kiện điện tử ra khỏi Trung Quốc.

Sáu là, tăng cường đào tạo nhân lực ngành Điện tử để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, như: Samsung, Foxconn, Panasonic, Intel... Nguồn nhân lực chất lượng cao này cũng sẽ là nền móng để phát triển, nâng cao năng lực các doanh nghiệp nội địa nhằm đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi.

Tài liệu tham khảo:

1. CNBC (2021), How Asia came to dominate chipmaking and what the US wants to do about it.

2. Electronics Watch (2019), Annual Report: 2019.

3. Feenstra, R. (1998), Integration of trade and disintegration of production in the global economy, Journal of Economic Perspectives, 12(4), 31-50.

4. Jetro (2023), Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10.

5. Monetary Authority of Singapore (2020), Asia's Electronics Supply Chains and Global Trade Corridors, Monetary Authority of Singapore.

6. Market Publishers (2018), Natural vs. Syntheic Rubber: Key Market Trends & Statistics, retrieved from https://marketpublishers.com/lists/23821/news.html.

7. NCIF, KAS (2022), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) định hình các chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

8. Nguyễn Thị Hoàng Yến (2021), Phân tích sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và so sánh với một số nước trong khu vực, Đề tài cấp Bộ 2020-2021 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

9. Timothy Sturgeon and Ezequiel Zylberberg (2016), The Global Information and Communications Technology Industry, Policy Research Working Paper.

10. Phạm, M. Đ., Hollweg, C. H., Mtonya, B., Winkler, D. E., Nguyễn, T. X. T. (2019), Việt Nam: Kết nối chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, The World Bank, Department of Trade and Industry (2018), “The Philippines in the Natural Rubber Global Value Chain”, Philippines.

11. Phương Anh (2021), Châu Á đã thống trị ngành sản xuất chip như thế nào?, truy cập từ https://thanhnien.vn/chau-a-da-thong-tri-nganh-san-xuat-chip-nhu-the-nao-1851055472.htm

12. https://www.itcportal.com/about-itc/shareholder-value/report-and-accounts.aspx.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo