Cải cách thuế - “Chìa khóa” nuôi dưỡng nguồn thu và thúc đẩy kinh tế

Thanh Hằng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, chính sách thuế cần được điều chỉnh linh hoạt, giảm thuế hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sản xuất và đảm bảo nguồn thu bền vững.

TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương).
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương).

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay câu chuyện cải cách thuế đang thu hút nhiều sự quan tâm. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về định hướng cải cách thuế hiện nay như thế nào để vừa nuôi dưỡng nguồn thu, vừa đảm bảo phát triển kinh tế?

TS. Lê Quốc Phương: Tôi cho rằng, để vừa nuôi dưỡng nguồn thu, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân thì chính sách thuế phải được cải cách theo hướng giảm và loại bỏ những loại thuế không cần thiết. Đó là cách để tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đang áp dụng với nhiều loại hàng hóa. Chúng ta cần rà soát lại: Với một số mặt hàng nên giảm thuế, một số khác thì nên bỏ hẳn. Hay như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thay vì áp một mức thuế đồng đều 10% hoặc 8% cho tất cả các mặt hàng thì chúng ta nên có cơ chế linh hoạt, áp các mức GTGT khác nhau tùy theo từng nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Phóng viên: Còn về thuế thu nhập cá nhân, theo ông cần cải cách như thế nào?

TS. Lê Quốc Phương: Với thuế thu nhập cá nhân, chúng ta cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của đời sống và lạm phát. Đồng thời, cấu trúc thuế suất cũng nên được điều chỉnh để phù hợp hơn với các mức thu nhập hiện nay, đảm bảo tính công bằng nhưng không làm giảm động lực làm việc và tích lũy của người dân. Các loại thuế như thuế hộ kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần rà soát lại theo hướng đơn giản hóa và minh bạch hơn.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, giảm thuế sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

TS. Lê Quốc Phương: Đó là một quan niệm sai lầm trong điều kiện kinh tế thị trường. Nguyên lý cơ bản là khi giảm thuế, nền kinh tế sẽ phát triển, doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, doanh thu tăng lên và cuối cùng ngân sách nhà nước lại thu được nhiều hơn. Thực tế đã chứng minh điều đó. Gần đây khi chúng ta tạm thời giảm GTGT từ 10% xuống 8%, hoạt động sản xuất kinh doanh đã được kích thích đáng kể.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, chủ trương giảm thuế hợp lý không phải giảm ồ ạt mà giảm có chọn lọc chính là cách để tạo động lực tăng trưởng, từ đó thu ngân sách sẽ ổn định và bền vững hơn.

Phóng viên: Một vấn đề khác đang được quan tâm là việc Tổng thống Mỹ dự kiến công bố mức thuế đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của chính sách này?

TS. Lê Quốc Phương: Hiện nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về mức thuế với hàng xuất khẩu và hàng trung chuyển. Cụ thể, mức thuế là 20% với hàng có xuất xứ Việt Nam và 40% với hàng trung chuyển. So với các quốc gia khác kể cả đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc hay Nhật Bản thì đây là mức thuế tương đối hợp lý bởi các nước này đang phải đối mặt với mức thuế 25%, thậm chí cao hơn.

Tuy nhiên, để đạt được mức thuế đó, chúng ta có 3 nghĩa vụ quan trọng: Giảm thuế xuống 0% với hàng hóa Mỹ; Thu hẹp thâm hụt thương mại với Mỹ; Kiểm soát gian lận xuất xứ, đặc biệt là hàng hóa trung chuyển.

Phóng viên: Vậy ông cho rằng đây là một thỏa thuận có lợi cho Việt Nam?

TS. Lê Quốc Phương: Về tổng thể thì đúng là có lợi. Mức thuế này tuy không phải thấp, nhưng thấp hơn nhiều quốc gia khác và thể hiện kết quả đàm phán tích cực của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển từ việc chỉ là nơi lắp ráp, trung chuyển sang sản xuất hàng hóa có xuất xứ rõ ràng tại Việt Nam.

Phóng viên: Vậy ông có tin rằng chúng ta vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu?

TS. Lê Quốc Phương: Tôi tin là có cơ sở để lạc quan. Bởi 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 14,4%, và nếu không có biến động lớn, chúng ta có thể duy trì đà tăng trưởng tương tự trong nửa cuối năm. Việc đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng.

Phóng viên: Ông có thể gửi gắm điều gì tới các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Lê Quốc Phương: Tôi cho rằng, trong cải cách thuế hay trong đàm phán thương mại quốc tế, chúng ta phải tư duy dài hạn. Giảm thuế không phải là mất đi nguồn thu, mà là cách để nuôi dưỡng nguồn thu bền vững hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, tăng hàm lượng nội địa hóa và công nghệ để thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức lớn. Chỉ bằng quyết tâm cải cách mạnh mẽ, tư duy đổi mới, và hành động kịp thời, chúng ta mới có thể tạo ra một nền kinh tế mạnh, độc lập và hội nhập hiệu quả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!