Chuyển biến mới trong giao dịch trực tuyến lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2020

Nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong thực hiện các giao dịch trực tuyến lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội. Từ những việc làm này đã góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia kịp thời, đúng đối tượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hiệu quả cao từ việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giao dịch không dùng tiền mặt, thời gian qua, ngành BHXH đã đẩy mạnh thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM). Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để thực hiện hạch toán tự động.

Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2019, số người nhận trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản ATM tại khu vực đô thị ở nước ta đạt 33,8% (tăng 9,76% so với năm 2018). Đến hết tháng 6/2020, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 28% trên tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (tăng 4% so với năm 2019).

Số người hưởng các chế độ BHXH một lần qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị 6 tháng đầu năm 2020 bình quân trên toàn quốc đạt 44% (tăng 7% so với năm 2019). Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 69% trên tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 16% so với năm 2019).

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan BHXH đã thực hiện tốt việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đảm bảo quyền lợi cho người tham gia kịp thời, đúng đối tượng.

Theo BHXH Việt Nam, riêng trong kỳ chi trả tháng 8/2020, cơ quan BHXH đã thực hiện chi trả cho khoảng 3.181.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với tổng số tiền khoảng 14.055 tỷ đồng, trong đó chi trả qua tài khoản ATM cho khoảng 730.000 người với số tiền khoảng 4.125 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, với phương thức này, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hàng tháng không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả; qua đó, góp phần phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ, việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, ngành BHXH chú trọng triển khai. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, ngành BHXH phục vụ gần 16 triệu người tham gia BHXH, BHTN, gần 86 triệu người tham gia BHYT.

Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHTN, đến nay đã có 15 dịch vụ công của ngành BHXH, dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 3 dịch vụ công nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến ngày 31/8/2020, ngành BHXH đã tiếp nhận và giải quyết gần 3.500 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến ngày 31/8/2020, toàn Ngành đã tiếp nhận và giải quyết được 52,7 triệu hồ sơ giao dịch điện tử của hơn 500.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 7.000 cá nhân…

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông; niêm yết công khai các thủ tục với người dân, cơ quan, đơn vị, giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN cho người tham gia.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan BHXH…