Chuyển biến tích cực của ngành Công thương Lâm Đồng

PV.

(Tài chính) Phát huy những thế mạnh đặc trưng của Tỉnh, những năm qua, Lâm Đồng đã tập trung phát triển ngành công nghiệp - thương mại, dịch vụ. Ngành Công thương Lâm Đồng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng phát triển kinh tế cho Tỉnh…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những chuyển biến mạnh mẽ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011 - 2015), trong 11 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Tỉnh đạt 15,24%, cao hơn so với giá trị tăng trưởng bình quân sản xuất công nghiệp của cả nước 2,24%. Quán triệt thực hiện tinh thần trên, trong những năm qua, ngành Công thương Lâm Đồng đã đẩy mạnh tập trung triển khai các chủ trương, chính sách phát triển thị trường nội địa, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước… Đặc biệt, trong năm 2014, ngành Công thương Lâm Đồng đã có nhiều điểm nhấn, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ với những kết quả thiết thực.

Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Tỉnh trong năm 2014 ước tăng 18,91% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,73%, ngành chế biến tăng 26,29%, các sản phẩm alumin tăng mạnh, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng,hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,38%...

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong Tỉnh năm 2014 ước đạt 39.500 tỷ đồng, tăng 15,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 3.956,2 tỷ đồng, tăng 44,55% so cùng kỳ năm 2013. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 34, 658,8 tỷ đồng, tăng 12,43% so cùng kỳ năm 2013; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 858 tỷ đồng tăng 100,22% so cùng kỳ năm 2013. Một trong những điểm nhấn góp phần tạo chuyển mạnh mẽ cho Công thương Lâm Đồng trong năm 2014 là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 450 triệu USD, tăng 68,17% so với năm 2013, bằng 125% kế hoạch năm 2014 của Tỉnh. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 51,7 triệu USD, tăng 1,85% so với cùng kỳ năm 2013, các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là các nguyên vật liệu tơ tằm để sản xuất tơ se thành phẩm xuất khẩu, các phụ liệu ngành dệt,may, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị nhà kính, chai thủy tinh, sản phẩm hóa chất, chất xút (NaOH), sắt thép, sản phẩm cao su, xốp giữ ẩm. Rượu nguyên liệu, phân bón, các sản phẩm từ giấy…đa phần nhập khẩu từ Châu Á, Châu Mỹ, Châu Đại Dương...Ngoài ra, Sở Công thương cũng rất chú trọng đến việc phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại như mạng lưới chợ, mạng lưới điện…nhằm tạo một diện mạo mới cho hoạt động thương mại trên toàn Tỉnh

Không ngừng phát triển

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để tiếp tục phát huy thế mạnh nhằm triển khai đồng đều, ổn định và bền vững, ngành Công thương Lâm Đồng cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thực thi công vụ và hiện đại hóa nền hành chính; bảo đảm tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất, quy trình thủ tục đầu tư... tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và chủ thể sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của Trung ương, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng mới các chính sách của Tỉnh, khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại… làng nghề, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; Tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông huyết mạch, đường giao thông liên huyện; đường dẫn đến các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa; Thúc đẩy xây dựng các khu công nghiệp mới, nhất là khu công nghiệp chuyên ngành nhằm thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp yêu cầu; chủ động đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các dự án công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành Công nghiệp chủ lực như cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, vật liệu mới.

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng cùng những giải pháp, kế hoạch được triển khai đồng bộ, tin tưởng rằng, ngành Công thương Lâm Đồng tiếp tục có thêm nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2011-2015.


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014