Chuyển công ty nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Theo Tạp chí cộng sản

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định các công ty nhà nước phải chuyển đổi sang Luật Doanh nghiệp trước ngày 1/7/2010. Đến nay, thời điểm này đã qua, nhưng không ít vấn đề vẫn đang tồn tại và tiếp tục phát sinh. Vì vậy, cần có nhận thức đúng ý nghĩa và giải quyết một số vấn đề cần thiết, cấp bách nhằm thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật.

1 - Ý nghĩa và sự cần thiết chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Việc chuyển đổi các công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH) tuy không mang tính đột phá như cổ phần hóa, nhưng là cần thiết và có ý nghĩa nhất định.

Một là, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định các công ty nhà nước thực hiện theo lộ trình chuyển đổi, nhưng trước ngày 1-7-2006 phải chuyển thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Trên thực tế từ năm 2001 các DNNN (gọi là công ty nhà nước từ năm 2003 theo Luật DNNN) bắt đầu chuyển thành công ty TNHH một thành viên theo Nghị định số 63/2001/NĐ-CP.

Hai là, với việc chuyển đổi doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn thành công ty TNHH một thành viên, bên cạnh mục tiêu để thực hiện thống nhất một Luật Doanh nghiệp, còn nhằm mục đích đổi mới tổ chức quản lý, cơ chế hoạt động, tạo sự bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Đây là quá trình “công ty hóa” các công ty nhà nước, tạo vị thế “công ty” cho công ty nhà nước - có địa vị pháp lý của một pháp nhân kinh tế, có tài sản độc lập với cá nhân và tổ chức khác, kể cả với Nhà nước, có quyền nhân danh công ty tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Ba là, việc chuyển đổi sang Luật Doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo mặt bằng pháp lý với các thành phần kinh tế khác, thực hiện cam kết WTO là Nhà nước thực hiện các quyền chủ sở hữu tương tự như các chủ doanh nghiệp hay cổ đông khác không phải Nhà nước.

Tính đến tháng 10-2009, có 321 công ty nhà nước độc lập và đơn vị thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước chuyển thành công ty TNHH một thành viên(1). Nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp chuyển đổi theo cơ quan chủ quản thì thấy rằng phần lớn là DNNN địa phương (chiếm 65,4%), doanh nghiệp do Trung ương quản lý chỉ chiếm 34,6%, trong đó doanh nghiệp thuộc bộ, ngành là 18,9%, doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty chiếm tỷ lệ thấp nhất là 15,7%. Xét theo quy mô và loại hình doanh nghiệp, hầu hết các công ty nhà nước độc lập thuộc bộ, ngành, địa phương với quy mô nhỏ hoặc trung bình (chiếm 77,78%). Công ty thành viên hạch toán độc lập và doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc của tổng công ty chiếm tỷ lệ tương ứng là 15,74% và 6,48%. Trong khi các công ty nhà nước quy mô lớn hơn, có cơ cấu tổ chức phức tạp hơn gồm các tổng công ty, công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ -công ty con chiếm tỷ lệ là 0% (tính đến tháng 10-2009).

Số doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo Nghị định số 63/2001/NĐ-CP theo Luật Doanh nghiệp 1999 chưa điều chỉnh cơ cấu tổ chức và sửa đổi điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 chiếm tỷ lệ khá cao (45,5%). Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa muốn hoặc ngại thay đổi, hoặc cơ quan nhà nước chưa tạo sức ép hoặc có chế tài buộc các doanh nghiệp tổ chức theo Luật Doanh nghiệp 2005. Vì thế, doanh nghiệp về cơ bản vẫn trong tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Về tổ chức quản lý, phần lớn doanh nghiệp áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty (chiếm 68,84%); trong đó, Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc (Giám đốc) chiếm tới 54,29%. Tỷ trọng doanh nghiệp địa phương áp dụng mô hình Chủ tịch công ty kiêm Tổng Giám đốc (Giám đốc) cao hơn rất nhiều (72,5%) so với doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành (10%) và doanh nghiệp thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế (17,5%).

Để tạo khung pháp lý và cơ chế thúc đẩy chuyển đổi các công ty nhà nước còn lại, chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô lớn và các nông - lâm trường quốc doanh trước ngày 1-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19-3-2010 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Một số điểm mới đáng lưu ý của Nghị định số 25/2010/NĐ-CP gồm:

- Đơn giản hóa trình tự, thủ tục chuyển đổi. Chỉ những doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục. Những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nhưng tạm chuyển thành công ty TNHH một thành viên sau đó tiếp tục chuyển thành công ty cổ phần thì không phải lập phương án và thực hiện xử lý tài sản, tài chính, sắp xếp lại lao động, sử dụng đất. Doanh nghiệp là công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh thì đất rừng và các tài sản trên đất rừng được chuyển giao nguyên trạng sang công ty TNHH một thành viên.

- Bổ sung một số quy định về tổ chức quản lý phù hợp với đặc thù sở hữu nhà nước. Trong đó, lưu ý bảo đảm sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ thuộc nhóm công ty mẹ - công ty con nắm giữ các ngành kinh tế quan trọng.

- Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập không kiêm Tổng Giám đốc. Đối với công ty mẹ thuộc tổng công ty do bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập thì chủ sở hữu quyết định việc kiêm hay không kiêm giữa Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc. Cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không kiêm nhiệm làm thành viên HĐTV. Thành viên HĐTV không làm các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên.

- Tăng cường vai trò của kiểm soát viên. Kiểm soát viên không đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là người có liên quan đến người quản lý, điều hành doanh nghiệp; có quyền sử dụng con dấu của công ty để thực hiện nhiệm vụ do pháp luật và điều lệ công ty quy định đối với kiểm soát viên.

- Ràng buộc trách nhiệm của các chức danh lãnh đạo quản lý doanh nghiệp bằng cơ chế tiền lương và tiền thưởng.

- Khi công ty mẹ tập đoàn kinh tế chuyển sang công ty TNHH một thành viên, thì vẫn kế thừa các quy định tương thích của Nghị định số 101/2009/NĐ-CP để tổ chức, hoạt động và quản lý đối với các tập đoàn kinh tế.

2 - Một số vấn đề cần quan tâm xử lý trong chuyển đổi công ty nhà nước theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP

Thứ nhất, bảo đảm sự đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật khác với Nghị định số 25/2010/NĐ-CP và vị thế của công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi. Sau ngày 1-7-2010, hàng loạt các văn bản liên quan không còn hiệu lực thi hành với công ty nhà nước nhưng chưa được ban hành mới để áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải gấp rút rà soát lại hệ thống văn bản, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với những đổi mới của Nghị định 25/2010/NĐ-CP. Lấy ví dụ như Quy chế tài chính đối với công ty TNHH một thành viên ban hành theo thông tư số 24/2007/TT-BTC (27-3-2007), Nghị định số 86/2007/NĐ-CP, ngày 28-5-2007, quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, các Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, 206/2004/NĐ-CP, 207/2004/NĐ-CP... Việc rà soát, bảo đảm sự đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật là rất cấp bách để tránh sự vênh váo và khó xử của công ty TNHH một thành viên, hoặc tránh để cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải rơi vào tình trạng rủi ro hoặc nguy hiểm của “khoảng trống pháp lý”.

Bên cạnh đó, Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang được sửa đổi, nhưng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng danh mục doanh nghiệp 100% vốn, cần hướng đến dài hạn, danh mục cần ổn định tương đối lâu dài để tránh cho doanh nghiệp hay phải chuyển đổi.

Thứ hai, giải quyết vướng mắc về chọn mô hình HĐTV hay Chủ tịch Công ty, kiêm nhiệm hay tách bạch giữa Chủ tịch Công ty và Tổng Giám đốc. Trong vấn đề này rất cần thay đổi thói quen trong quản lý, điều hành, hoặc viện lý do tránh chồng chéo dễ gây mâu thuẫn, mất đoàn kết, để thiên về áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc như trước đây, làm cho quyền lực tập trung vào một người nhưng không chú trọng giám sát, dẫn đến vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường và khi rủi ro mới xử lý trong khi lại thiếu cơ chế giám sát, phòng ngừa. Ngoài ra, điều lệ của công ty TNHH một thành viên cũng cần quy định cụ thể, chi tiết và tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch Công ty với Tổng Giám đốc.

Thứ ba, về tên gọi của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế sau chuyển đổi. Vấn đề này chỉ phát sinh đối với tên gọi của tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Có những ý kiến khác nhau: hoặc thực hiện theo Luật Doanh nghiệp (đều gọi tên tổng công ty và tên của doanh nghiệp thành viên là công ty TNHH một thành viên và kèm theo thành tố tên riêng của doanh nghiệp); hoặc gọi tên của tổng công ty là Tổng công ty TNHH một thành viên và vì thế cần sửa lại quy định về việc đặt tên của Luật Doanh nghiệp.

Thứ tư, về vấn đề tái cấu trúc và tăng tính chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm của chủ sở hữu. Địa vị pháp lý của công ty TNHH một thành viên yêu cầu tăng tính chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm của chủ sở hữu, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối chủ sở hữu. Vì vậy, các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay phải thực sự cơ cấu lại thành một tổ chức, một đầu mối làm chủ sở hữu và cần tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, tách hoặc tổ chức thành cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu độc lập với cơ quan quản lý hành chính nhà nước, có bộ máy và cán bộ chuyên trách và chuyên nghiệp.

Thứ năm, vấn đề giám sát, kiểm soát đối với công ty TNHH một thành viên. Việc tăng tính chủ động, tăng quyền của công ty TNHH một thành viên, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty lớn sau chuyển đổi không thể thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát hữu hiệu của chủ sở hữu. Nền tảng của cơ chế giám sát, kiểm soát là xây dựng, duy trì:

(1) hệ thống thông tin đầy đủ, tin cậy, cập nhật về công ty TNHH một thành viên (và các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác);

(2) có hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp giám sát, kiểm soát, đánh giá của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên (và các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác);

(3) có đội ngũ cán bộ chuyên trách và chuyên nghiệp đại diện cho chủ sở hữu;

(4) có hệ thống quy định rõ ràng, minh bạch về quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm, mối quan hệ trong công việc của các đối tượng có liên quan (là tổ chức hoặc cá nhân).

Thứ sáu, về kiểm soát viên. Kiểm soát viên là một chức danh mới, có vai trò quan trọng và gắn với chủ sở hữu, giúp chủ sở hữu kiểm soát được tình hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý, điều hành công ty. Việc lựa chọn, bổ nhiệm, thực thi nhiệm vụ, tăng cường năng lực của các kiểm soát viên, tách riêng nguồn trả lương, thưởng; cơ chế động lực, trách nhiệm là các vấn đề hiện nay và lâu dài của công ty TNHH một thành viên. Điều này có ảnh hưởng đến tính đổi mới, khác biệt, sức sống của mô hình công ty TNHH một thành viên so với công ty nhà nước. Tuy nhiên lựa chọn, bổ nhiệm kiểm soát viên là vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong công ty nhà nước. Do đó, cần xem xét các căn cứ và dựa vào các yêu cầu sau đây để bổ nhiệm kiểm soát viên:

(1) Tiêu chuẩn và điều kiện quy định đối với kiểm soát viên tại Điều 71 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty.

(2) Bảo đảm kiểm soát viên không đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là người có liên quan đến người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

(3) Kiểm soát viên phải là người của chủ sở hữu, phục vụ lợi ích của chủ sở hữu, do đó, về nguyên tắc kiểm soát viên phải do chủ sở hữu trả lương, thưởng theo kết quả và hiệu quả giám sát, kiểm soát.

(4) Về chế độ tiền lương cho kiểm soát viên, cần tránh tư duy hành chính hóa, cấp bậc hóa, căn cứ vào cấp bổ nhiệm để xếp lương và thang, bảng lương, mà coi kiểm soát viên là người thực thi nhiệm vụ của chủ sở hữu giao, dựa vào hiệu quả giám sát, kiểm soát để quyết định mức lương.

Để kiểm soát viên có thể hoạt động, phát huy vai trò giám sát, kiểm soát doanh nghiệp, cần khẩn trương ban hành quy chế hoạt động của kiểm soát viên, kể cả đối với trường hợp có 1 kiểm soát viên hay 2 hoặc 3 kiểm soát viên.