Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Từ một nền kinh tế lúa nước lạc hậu với khoảng 90% lao động làm nông nghiệp, sau 35 năm đổi mới và đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã có chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được một số thành tựu quan trọng như: Kinh tế liên tục tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép... Đóng góp vào những thành tựu này là nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế để tận dụng hiệu quả các nguồn lực quan trọng của xã hội. Khái quát thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam giai đoạn 2015-2020, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nhằm phát triển kinh tế ổn định, bền vững trong giai đoạn tới.
Cơ sở lý thuyết nghiên cứu
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình chuyển dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác phù hợp với phân công lao động và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong giai đoạn phát triển kinh tế nhất định.
Được xem là người tiên phong nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vào cuối thế kỷ 19, Ernst Engel đã chỉ ra mối quan hệ giữa thu nhập và phân phối thu nhập cho các nhu cầu tiêu dùng cá nhân, hay còn gọi là quy luật tiêu dùng Engel.
Theo quy luật tiêu dùng này, khi thu nhập tăng, người tiêu dùng có nhu cầu chi tiêu tăng đối với các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ. Xu hướng này sẽ làm nền kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng khu vực công nghiệp và đặc biệt là khu vực dịch vụ, đồng thời giảm ở khu vực nông nghiệp.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp trong tiến trình tăng trưởng kinh tế, Arthus Lewis cho rằng, khu vực nông nghiệp dư thừa lao động và lao động dư thừa này sẽ chuyển dần sang khu vực công nghiệp.
Ở Việt Nam, Phí Thị Hồng Linh và các tác giả (2020) đã phân tích, đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo các tiêu chí: Chuyển dịch tỷ trọng GDP; chuyển dịch cơ cấu lao động theo 3 nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, thực trạng xuất nhập khẩu.
Kết quả phân tích cho thấy, sự chuyển dịch tỷ trọng GDP theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ đảm bảo đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh hơn so với sự dịch chuyển GDP nên nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định, sự dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế chưa hiệu quả, chưa theo hướng hiện đại, sản xuất vẫn còn mang tính gia công và phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu và phụ thuộc vào khu vực nước ngoài. Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra dự báo, các chỉ tiêu cơ bản về cơ cấu ngành kinh tế và định hướng cơ bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Nhìn chung, các nghiên cứu trong và ngoài nước đều xem xét chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là tiêu thức đánh giá trình độ phát triển kinh tế: Trình độ phát triển càng thấp, nền kinh tế đó phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp; ngược lại, nền kinh tế phát triển cao sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là dịch vụ, tức là ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế.
Thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam giai đoạn 2015-2020
Qua 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng và từng bước hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Việt Nam có sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, giảm dần nguồn lực khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (gọi là khu vực 1, KV1), nguồn lực phân bổ cho khu vực công nghiệp, khai khoáng, xây dựng (khu vực 2, KV2) và khu vực dịch vụ (khu vực 3, KV3) tăng dần. Nhờ đó, nền kinh tế thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực quan trọng.
Về cơ cấu lao động
Giai đoạn 2015-2020, cùng với phát triển kinh tế, lực lượng lao động Việt Nam có việc làm tăng đều qua các năm (ngoại trừ năm 2020, tình trạng người lao động bị mất việc làm tăng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19).
Theo Tổng cục Thống kê (2021), số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có “công ăn, việc làm” tăng đều qua từng năm, với tốc độ tăng trung bình khoảng 0,48% trong giai đoạn 2015-2019. Riêng năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm.
Xét về cơ cấu lao động, giai đoạn 2015-2020 có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực kinh tế. Cụ thể, trong giai đoạn này có sự chuyển dịch rõ rệt trong cơ cấu lao động giữa các khu vực: Nếu như năm 2015 cơ cấu lao động KV1 chiếm tới 45,73%; KV2 chiếm 24,19%; KV3 chiếm 30,08%, thì đến năm 2020 tỷ trọng lao động trong các KV1, 2, 3 lần lượt là: 34,78%; 32,65%; 32,57%.
Tốc độ giảm trung bình lao động KV1 là 5,4%; tốc độ tăng trưởng lao động trung bình trong KV2 và KV3 lần lượt là 6,6% và 1,7%. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng lao động chậm nhưng có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu lao động giữa các khu vực. Điều đó cho thấy, cả 3 khu vực đều có sự dịch chuyển lao động.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và nặng nề, nhưng các địa phương kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ thực hiện chủ trương đúng đắn này, tỷ lệ lao động làm việc tại các khu vực doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, tỷ trọng lao động làm việc trong các khu vực không có sự biến động lớn trong nửa đầu năm 2021, theo đó tỷ trọng lao động ở KV1 chiếm 27,9%, tăng 1,9%; KV2 chiếm 32,8%, tăng 0,5%; KV3 chiếm 39,3%, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020 (Tổng cục Thống kê, 2021).
Về cơ cấu vốn
Cùng với chuyển dịch về cơ cấu lao động giữa các khu vực, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2015-2019 cũng có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm (Bảng 1). Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 9,23%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình của tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng gấp 19,23 lần so với lao động.
Theo Tổng cục Thống kê (2021), vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2019 và bằng 34,4% GDP. Trong 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID- 19 và thiên tai (lũ lụt, hạn hán, ngập mặn…) từ năm 2019 đến nay, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ về vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh. Điều này chứng tỏ những nỗ lực toàn xã hội thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra có tác dụng tích cực và nhanh chóng lan tỏa trong toàn nền kinh tế.
Sự đóng góp của các khu vực kinh tế vào GDP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam (theo giá so sánh với năm 2010) trong giai đoạn 2015-2020 liên tục tăng trưởng qua các năm. Sự tăng trưởng của GDP nhờ đóng góp trong cả 3 khu vực kinh tế (Bảng 2).
Trong giai đoạn 2015-2020, KV1 có tỷ lệ đóng góp vào GDP có xu hướng giảm dần qua các năm: Nếu như năm 2015, khu vực này đóng góp khoảng 18,17% GDP thì đến năm 2020 con số này còn 15,34% (tỷ trọng trung bình đạt 16,51%/năm).
Hai khu vực kinh tế còn lại đóng góp khá lớn vào cơ cấu tỷ trọng GDP, theo đó KV2 có tỷ trọng tăng đều với biên độ dao động khá lớn (từ 38,58% GDP năm 2015 đến 41,15% GDP vào năm 2020), trung bình 39,87%/năm.
Đặc biệt, KV3 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP, trung bình 43,24%/năm, biên độ dao động tương đối nhỏ (thấp nhất là 43,25% vào năm 2015, cao nhất là 43,81% vào năm 2017) và không bền vững (trong 3 năm đầu tỷ trọng khu vực này có xu hướng tăng, nhưng 3 năm cuối lại không ổn định).
Nhìn chung, cơ cấu GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 thay đổi theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu phân bổ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo hướng hiện đại, nghĩa là nền kinh tế có sự chuyển dịch cơ cấu từ KV1 sang KV2 và KV3.
Kết quả phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2015-2020
Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình. Những thành tựu đó được cụ thể hóa bằng những dữ liệu kinh tế vĩ mô như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan; tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp; tỷ lệ lạm phát duy trì trong phạm vi cho phép; cán cân thương mại dần được cải thiện theo hướng thuận lợi.
Tốc độ tăng trưởng GDP
Một trong những thành tựu kinh tế quan trọng thể hiện rõ nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2015- 2020 là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu, trong bối cảnh đó nền kinh tế Việt Nam cũng vượt qua không ít khó khăn, để đạt tốc độ tăng trưởng dương (2,91%), tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới; Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình là 6,76%/ năm, đạt mục tiêu “tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt từ 6,5%-7%/năm” mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.
Đây là thành tựu quan trọng so với khu vực và thế giới. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP tăng 5,64%, cao hơn 1,82% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam có tín hiệu tăng trưởng tích cực bất chấp tình hình dịch bệnh COVID- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tỷ lệ thất nghiệp
Nhờ có sự chuyển dịch cơ cấu lao động một cách hợp lý và hiệu quả, tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam chưa vượt quá 2,31% trong giai đoạn 2015-2020 và có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở mức 2,18% (thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016 đã đề ra).
Riêng năm năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm. Dù tăng cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 đã không vượt quá 4,0%, đạt muc tiêu như Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Tỷ lệ lạm phát
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cân đối kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2015-2020 duy trì ổn định, nhờ đó tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, đảm bảo trong mục tiêu đề ra. (Bảng 3)
Tỷ lệ lạm phát trung bình ở Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 ở mức 2,76%/năm. Những chỉ báo lạm phát trên cho thấy, tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội”.
Cán cân thương mại
Phát huy những thành tựu thương mại của những năm trước đã đạt được, 5 năm qua, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để tìm kiếm thị trường, mở rộng hoạt động thương mại toàn cầu.
Trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam mở rộng, giao thương hàng hóa với các nước trong khu vực châu Á, cũng như các khu vực khác trên thế giới. Nhờ đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tích cực, năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, về xuất khẩu, nếu như năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 162,4 tỷ USD thì đến năm 2020, con số này đã cán mốc 281,5 tỷ USD.
Tương tự, về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đạt kết quả tích cực. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt 165,6 tỷ USD. 5 năm sau, con số này đạt 262,4 tỷ USD.
Tuy trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng nhiều đến thương mại quốc tế, nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã đạt thành tựu đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2021 khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Từ nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.
So với những thời kỳ trước, trong những năm gần đây, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát tương đối thấp, cán cân thương mại được cải thiện theo hướng tích cực.
Khó khăn, thách thức đối với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại Việt Nam
Mặc dù, giai đoạn 2015- 2020 Việt Nam đã có chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế khá tích cực nhưng xu hướng tăng trưởng của các chỉ tiêu vĩ mô chưa thật sự ổn định, bền vững. Nguyên nhân là do sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong giai đoạn 2015- 2020 có những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể:
Một là, tuy lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở KV1, nhưng nguồn vốn phân bổ cho khu vực này rất thấp thể hiện phương thức sản xuất lạc hậu nên đóng góp vào GDP với tỷ trọng thấp.
Hai là, nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tập trung chủ yếu vào KV2 và KV3, nhưng đóng góp vào GDP với tỷ trọng chưa đảm bảo mục tiêu so với KV1, nên hiệu quả sử dụng vốn trong các khu vực chưa đạt kỳ vọng đề ra.
Ba là, sự dịch chuyển của lao động và nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giữa các khu vực, đặc biệt là KV2 và KV3 chưa ổn định và thiếu tính đồng bộ. Điều này dẫn tới sự phát triển không đồng đều giữa các ngành kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.
Bốn là, tuy KV3 có sự tăng trưởng đều đặn của lao động và vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực này chưa có chuyển dịch rõ ràng…
Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng ổn định, bền vững
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng: Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, với mục tiêu phát triển kinh tế trong 5 năm tới, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025): Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến năm 2025 dưới 4%; Sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; Kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt khoảng 25%.
Trên cơ sở định hướng về phát triển kinh tế - xã hội và kết quả phân tích, đánh giá, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam theo hướng phát triển ổn định, bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, cần triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất, giải quyết hiện tượng thất nghiệp thời vụ bằng cách đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xen canh, tăng vụ… Mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi và đánh bắt cá; sử dụng máy móc, thiết bị thay thế lao động, áp dụng công nghệ sinh học nhằm tăng sản lượng phù hợp khả năng vốn, trình độ kỹ thuật để giải phóng lao động khỏi khu vực này và chuyển dịch sang các khu vực khác. Để nâng cao năng suất lao động, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về nhiều mặt như hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, hệ thống vận tải, hệ thống giáo dục và điện khí hóa nông thôn…
Thứ hai, tận dụng lợi thế về nông, lâm, ngư nghiệp để phát triển khu vực này theo hướng bền vững và ổn đinh, cần tập trung công nghiệp hóa vào các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…; Một mặt, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp, hạn chế nhập khẩu. Mặt khác, giải quyết công ăn, việc làm cho lao động ở nông thôn.
Thứ ba, hiện nay, lực lượng lao động và nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tập trung vào khu vực công nghiệp, khai khoáng và xây dựng khá cao, nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa tương xứng, chứng tỏ khu vực này đang thâm dụng lao động và vốn.
Do đó, ngành công nghiệp cần phát triển theo hướng tận dụng các nguyên liệu có sẵn trong nước thay thế các nguyên liệu nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu; ngành khai khoáng nên tập trung nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách sản xuất, chế biến thành các thành phẩm, sản phẩm trung gian cung ứng cho ngành công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ tư, KV1 và KV2 phát triển bền vững sẽ tạo ra công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động và tạo ra nhiều sản phẩm nội địa chất lượng cao thì khu vực dịch vụ sẽ tự phát triển mạnh; đồng thời, hạn chế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.
Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, ngoài các dịch vụ đáp ứng nhu cầu trong nước cần tập trung khai thác đẩy mạnh vào những ngành “mũi nhọn” của Việt Nam như du lịch, các sự kiện trong và ngoài nước… nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến các nước trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII”;
2. Tổng cục Thống kê (2021), “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội” các năm 2010 đến 2020, truy cập ngày 07/07/2021 tại https://www.gso.gov.vn/;
3. Trần Thọ Đạt và Lê Quang Cảnh (2015), Giáo trình Ứng dụng một số lý thuyết trong nghiên cứu kinh tế, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
4. Phí Thị Hồng Linh, Bùi Đức Tuân và Trần Văn Thành (2020), “Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng giải pháp giai đoạn 2021-2030”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 4 tháng 01/2020;
5. Todaro, M.P và Smith, S.C, (2011), Economic Development, 11th Edition, Essex: Pearson Education Ltd;
6. Hayami, Y. và Godo, Y. (2005), Development Economics, Oxford: Oxford University Press.
(*) TS. Nguyễn Văn Tuyên, Trường Đại học Tài chính-Marketing;
ThS. Trần Hoàng Tuấn, Trường Đại học Lao động-Xã hội (Cơ sở 2 - TP. Hồ Chí Minh).
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 8/2021.