Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 và những vấn đề đặt ra


Vượt qua bối cảnh của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tác động xấu đến kinh tế-xã hội, song tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực. GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao gấp 3 lần so với mức tăng GDP cùng kỳ năm 2020. Dự báo, kinh tế năm 2021 đạt mức tăng trưởng trên 6,5%, lạm phát dưới 4%, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

"Bức tranh" kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021

Mặc dù, đại dịch COVID-19 đã và đang có những diễn biến khó lường, phức tạp tác động xấu đến các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, nhưng vượt lên trên khó khăn chung, "bức tranh" kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có những gam màu sáng.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 6/2021 và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020; tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 và những vấn đề đặt ra  - Ảnh 1

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thu NSNN đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với quản lý thu NSNN hiệu quả, chi NSNN cũng được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán đầu năm và trong quá trình thực hiện, gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII).

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá, do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) được duy trì và đang dần phục hồi với tốc độ tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ 2020. DN đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn DN, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2020 và tăng 34,3% về vốn đăng ký.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn DN, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân của một DN thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, có 26,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2020.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ 2020; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án, nhưng tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2020; có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2020. Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, dù dịch bệnh phức tạp gây ra không ít khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn được triển khai tích cực với 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ năm 2020; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng 10,8 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 và những vấn đề đặt ra  - Ảnh 2

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ 2020.

Cũng trong đà tăng, kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%, nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020...

Bên cạnh những “gam màu sáng” về tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đối diện với không ít khó khăn, thách thức như:

Một là, số DN tạm dừng hoạt động kinh doanh có thời hạn tăng 22,1%; dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 25,7% và số DN hoàn tất thủ tục giải thể tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Hai là, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm 2020. Trong khi, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam giảm còn 44,1 điểm, được xem là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn một năm nay. Chỉ số này giảm xuống dưới 50 điểm cho thấy, các DN được điều tra khá bi quan về tình hình sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Ba là, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,2 điểm phần trăm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng 0,4 điểm phần trăm. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến lao động một số ngành như: Du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống là nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2021 giảm 8,4% so với quý I/2021.

Vấn đề đặt ra trong những tháng cuối năm 2021

Rủi ro đối với kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 là nguy cơ dịch bệnh kéo dài, khó kiểm soát trong cộng đồng. Điều này khiến tình trạng giãn cách xã hội kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Việt Nam còn thấp, cũng như biến chủng của virus SARS-CoV-2 ngày càng phức tạp, Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất định trong quá trình kiểm soát dịch bệnh và hệ quả của nó đối với kinh tế - xã hội.

Đây là những vấn đề đặt ra đối với các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp đang đứng trước nhiều thử thách. Nếu tình hình giãn cách xã hội kéo dài và thị trường lao động không được cải thiện, thì ngành Bán lẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 8/2021 và sang các tháng tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhu cầu về một gói hỗ trợ kinh tế là cấp thiết để duy trì độ lạc quan và sức mua trong nền kinh tế, đảm bảo thị trường lao động và sản xuất không bị tổn hại nặng nề. Đặc biệt, gói cứu trợ kinh tế này cần phải được đưa đến đúng cá nhân, hay đơn vị cần hỗ trợ, với thủ tục giải quyết đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện và dễ giải ngân.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên xem thường rủi ro lạm phát tăng ở các nước khác sẽ kéo theo chi phí đầu vào của nền kinh tế gia tăng ở nhiều lĩnh vực, cũng như giá cả tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ là một trong nhiều chỉ số đo lường lạm phát để tham khảo và phụ thuộc nhiều vào cách áp đặt các trọng số trong rổ hàng hóa, dịch vụ dùng để tính toán.

CPI không phải là thước đo duy nhất để đánh giá tình hình lạm phát và càng không nên xem xét là căn cứ duy nhất để ra quyết định điều hành kinh tế. Do đó, Việt Nam cần một bộ chỉ số giá đầy đủ hơn, với nhiều loại chỉ số giá cả để người làm chính sách, cũng như người dân có một cách nhìn toàn diện hơn về tình hình lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế dẫn chứng, với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số đo lường lạm phát yêu thích là chi tiêu dùng cá nhân, chứ không phải CPI.

Ngoài ra, còn có các chỉ số lạm phát kỳ vọng dựa trên các sản phẩm tài chính của thị trường được thiết kế để giúp nhà đầu tư phòng thủ trong trường hợp lạm phát tăng cao. Ở Việt Nam, khi chưa có một bộ công cụ đầy đủ, thì không nên đưa ra những nhận định duy ý chí rằng, lạm phát là cao, thấp, hay trong tầm kiểm soát khi chỉ nhìn vào một chỉ số CPI.

Cách tiếp cận tương tự cũng nên được áp dụng với chỉ tiêu GDP hay bất kỳ chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nào khác. Thay vào đó, là những đánh giá chừng mực, có kịch bản và phương án quản lý rủi ro tương ứng. Trong một thế giới đầy bất định do đại dịch COVID-19 gây ra, bất kỳ mục tiêu hay nhận định nào cũng nên linh hoạt và có thể thay đổi theo điều kiện cụ thể.

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường, từ những chỉ số kinh tế cho thấy, xu hướng trong những tháng cuối năm khó khăn là chủ đạo nhưng về cơ bản, tín hiệu tích cực, lạc quan vẫn là phổ biến.

Nhìn ra thế giới, hiện nay, kinh tế thế giới đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng kinh tế thế giới đang ổn định trở lại, điều này phần nào bổ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trước tình hình đó, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất từ 6%-6,5%.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công bố 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế gồm: (i) Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% năm 2021 thì quý III/2021 cần đạt mức tăng trưởng 6,2%, quý IV/2021 tăng 6,5%; (ii) Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III/2021 phải đạt mức tăng trưởng là 7%, quý IV/2021 tăng 7,5% .

Thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trên, cần tập trung vào các nội dung sau: Phòng, chống dịch bệnh; định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách hỗ trợ DN, kích cầu nền kinh tế; tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch…

Trong những tháng cuối năm, dự báo, tình hình kinh tế đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Mặc dù, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ, nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến an sinh xã hội. Do đó, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, DN và người dân.

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021;

2. Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;

3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II/2021 và 6 tháng đầu năm 2021;

4. Học viện Tài chính, Hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”. 

(*) ThS. Nguyễn Quỳnh Trang - Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh Hưng Yên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.