Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại Thái Bình
(Taichinh) - Trong những năm qua, Thái Bình đã gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực.
Là một tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời gần Vùng KTTĐ Bắc Bộ, do đó cơ cấu kinh tế của Thái Bình phải có sự chuyển dịch mạnh hơn, nhanh hơn để phù hợp với xu thế của vùng đến năm 2020: các ngành phi nông nghiệp chiếm khoảng 90% trong tổng GDP,các sản phẩm chủ lực đóng góp 60-65% GDP, độ mở của nền kinh tế đạt trên 90% và cơ cấu kinh tế của vùng là cơ cấu hiện đại với các ngành mũi nhọn có khả năng đột phá, có sức cạnh tranh.
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đã giảm dần từ 42,27% năm 2005 xuống còn 34,96% năm 2014. Điều này là phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với đặc điểm vị trí địa lý tự nhiên, đến nay Thái Bình vẫn được nhận định là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp thuần nông, mà sản xuất trồng trọt là chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thái Bình (trên 50%). Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm dần theo các năm và thay vào đó là tỷ trọng tăng của lĩnh vực chăn nuôi.
Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm từ 65,56% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2005 xuống 58,72% năm 2010. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 32,13% năm 2005 lên 38,37% năm 2010 và dịch vụ nông nghiệp lại giảm từ 3,31% năm 2005 xuống 2,91% năm 2010.
Do quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển mở rộng của các khu công nghiệp đã làm cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai, như chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác hoặc thay đổi cơ cấu giống cây trồng kết hợp các tiêu chuẩn trồng trọt tiên tiến cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, tập trung trồng cây lương thực (cây lúa). Bên cạnh trồng trọt, sự phát triển của các nghề trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu thị trường và làm đa dạng thêm cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.
Ðối với ngành chăn nuôi, cơ cấu giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là gia súc và gia cầm. Trong nội bộ lĩnh vực thủy sản cũng diễn ra sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung ở hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản giảm tỷ trọng khai thác, tăng nhanh tỷ trọng nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thủy sản cũng tăng theo. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ tăng chậm, trong khi đó diện tích nước ngọt tăng mạnh hơn, tập trung nuôi cá nước ngọt.
Đối với ngành chăn nuôi, cơ cấu giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là gia súc chiếm 78,11% và gia cầm chiếm 14,03%. Trong nội bộ ngành thủy sản cũng diễn ra sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung ở hai huyện là Thái Thụy và Tiền Hải. Từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản giảm tỷ trọng khai thác là 33,22% năm 2007, giảm còn 28,25% năm 2011, tăng nhanh tỷ trọng nuôi trồng thủy sản 64,35% năm 2007 lên 68,92% năm 2011, dịch vụ thủy sản cũng tăng theo.
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh có mức độ chuyển dịch nhanh, đây cũng là giai đoạn có nhiều thay đổi trong cơ chế phân cấp của Trung ương với tỉnh, gia tăng quyền tự chủ của lãnh đạo tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư, ban hành chính sách phát triển kinh tế địa phương.
Như vậy, về cơ bản, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như trong nội bộ khu vực nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã có chuyển biến tích cực.