Chuyển đổi số – "Chìa khóa" cho ngành du lịch bứt phá
Ngày 15/5, trong khuôn khổ chương trình “Du lịch và Doanh nhân: Gặp gỡ – Kiến tạo – Phát triển” do Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Chi hội Lữ hành, Chi hội Golf và Chi hội Khách sạn tổ chức, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những ứng dụng thực tiễn của AI, TikTok và công nghệ quản trị số trong lĩnh vực du lịch – lữ hành.

Chuyển đổi số – Xu hướng tất yếu của ngành du lịch
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Chi hội Lữ hành TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Chương trình hôm nay không chỉ là nơi gặp gỡ, giao thương mà còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, điểm đến và nhà cung cấp dịch vụ cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái bền vững, chuyên nghiệp và đột phá”.
Không chỉ là một buổi hội thảo đơn thuần, sự kiện thực sự trở thành diễn đàn mở, nơi các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận hướng đi mới trong bối cảnh ngành du lịch đối mặt với nhiều biến động nhưng cũng tiềm ẩn vô vàn cơ hội.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh khẳng định, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch hiện đại. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, TP. Hồ Chí Minh đang ưu tiên đầu tư hệ thống dữ liệu dùng chung, kết nối các đơn vị trong ngành nhằm chia sẻ dữ liệu và khai thác hiệu quả tiềm năng.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đã có 366 tài nguyên du lịch được cập nhật lên Google Earth, Google Map, đồng thời đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Traveloka, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và tiếp cận dịch vụ.
Theo Đề án phát triển du lịch thông minh giai đoạn 2020–2025, tầm nhìn 2030, TP. Hồ Chí Minh hướng tới hình thành một hệ thống du lịch thông minh toàn diện: từ trải nghiệm du khách đến vận hành điểm đến và quản lý kinh doanh, với khả năng dự báo nhu cầu – xu hướng – hành vi người tiêu dùng để hoạch định chính sách phát triển linh hoạt, kịp thời.

Tiếng nói người trong cuộc
Chia sẻ từ góc nhìn thực tế, bà Văng Thị Mỹ Nàng, Tổng Giám đốc Nhanh Travel, đánh giá: “Thị trường thay đổi không chỉ bởi công nghệ, mà bởi chính người tiêu dùng và cả chúng ta – những người làm du lịch”. Chuyển đổi số không phải điều gì quá to tát. Quan trọng là có đúng người, đúng thời điểm và đúng giải pháp.
Theo bà Văng Thị Mỹ Nàng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “loay hoay” với phương thức quản lý thủ công, rời rạc, thiếu nền tảng quản trị tập trung và không có công cụ đo lường hiệu quả rõ ràng. Điều này khiến việc mở rộng quy mô hay nâng cao trải nghiệm khách hàng gặp nhiều hạn chế.
Trong khi đó, khách hàng hiện đại ngày càng mong đợi các trải nghiệm số hóa: đặt dịch vụ nhanh chóng, thanh toán tiện lợi, thông tin minh bạch. Đối tác, đại lý cũng cần những nền tảng kết nối – đồng bộ dữ liệu để hợp tác hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số vì thế không còn là chuyện nên làm, mà là bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn sống còn và phát triển bền vững.
Các giải pháp công nghệ "một chạm" hiện nay có thể giúp doanh nghiệp tự động hóa quản lý, vận hành, chăm sóc khách hàng. Từ đó tăng doanh thu, giảm chi phí nhân sự và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Dù vậy, quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đối mặt với không ít khó khăn từ tư duy quản lý truyền thống, thiếu nguồn lực kỹ thuật, đến việc chưa đồng bộ dữ liệu và hệ thống giữa các bên.
Tuy nhiên, với sự đồng hành từ cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và ứng dụng đúng công nghệ, chuyển đổi số hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy mạnh mẽ để đưa ngành du lịch bứt phá trong tương lai.