Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong những năm qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành để phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân tham gia các loại hình BHXH.
Chuyển đổi số - “Chìa khóa” đổi mới phương thức hoạt động của ngành BHXH Việt Nam
Đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0” để phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Trong 5 năm qua, BHXH Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác của Ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong 4 năm liên tiếp (từ 2017 đến 2020), Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành và xếp thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.
Hiện nay, toàn Ngành có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân (tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc); kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.
Hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong Ngành phải thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ. Nếu tính bình quân, mỗi cán bộ, công chức phải giải quyết khoảng 4.000 hồ sơ mỗi năm...
Đặc biệt, sau hơn một năm công bố và triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên thiết bị di động thông minh, cả nước có gần 30 triệu tài khoản cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình thực hiện các dịch vụ BHXH, BHYT, thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Từ ngày 1/6/2021, người dân còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc...
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối và chia sẻ.
Hiện tại, BHXH Việt Nam đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động hai chiều với Tổng cục Thuế. Song song với đó, BHXH Việt Nam đã thực hiện kết nối liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khai tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngành BHXH Việt Nam đã bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Đồng thời, kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó hơn 32 triệu dữ liệu thông tin công dân được chia sẻ để xác thực...
Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Nguy cơ lan rộng, bùng phát của đại dịch vẫn còn hiện hữu. Hoạt động của các trung tâm kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, tỉnh thành phố lớn gặp nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch... Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai nhiệm vụ của Ngành khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam phải có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia.
“Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ” - ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Mặt khác, ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành để phục vụ tốt nhất doanh nghiệp và người dân.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm sự đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ...
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
“Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ bị lạc hậu, bỏ lại phía sau. Vì vậy, cần liên tục đổi mới và hoàn thiện, xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh cho mọi người dân và người lao động trong tình hình mới”, ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Trong năm 2021 có hơn 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).
Cũng trong năm qua, hệ thống Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý 95,4 triệu lượt hồ sơ. Hệ thống Cổng tiếp nhận giám định tiếp nhận 126,7 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý từ Cổng Dịch vụ công quốc gia 157.184 hồ sơ. Trong đó: cấp lại 2.176 thẻ BHYT do hỏng, mất; gia hạn 68.291 thẻ BHYT theo hộ gia đình; đóng tiếp 7.804 hồ sơ BHXH tự nguyện, 466 hồ sơ BHXH bắt buộc...