Chuyển đổi số, kinh tế số là xu thế tất yếu

Theo Ngọc Hưởng/Báo Hậu Giang

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. Hồ Chí Minh trong tương lai”, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thông tin: Những yếu tố cần thiết của quá trình chuyển đổi số bền vững đó là cần có sự đột phá về mặt thể chế, trọng tâm là về mặt pháp luật, tháo gỡ những khó khăn để huy động tối đa các nguồn lực. Xây dựng thể chế theo đổi mới sáng tạo, mà cụ thể hơn là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.

Hậu Giang phấn đấu đến năm 2030 tỉnh trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Tây Nam bộ. Ảnh: Ngọc Hưởng
Hậu Giang phấn đấu đến năm 2030 tỉnh trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Tây Nam bộ. Ảnh: Ngọc Hưởng

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Với quyết tâm chuyển đổi số, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược của Đảng bộ tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ đột phá thứ hai bao gồm nội dung: “Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ngày 02/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết số 02-NQ/TU đã đặt ra mục tiêu: “Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Hậu Giang trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Tây Nam bộ”.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025.

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp thực hiện kết nối, hỗ trợ nhiều hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn. Theo báo cáo của đại diện hai sàn thương mại điện tử tại Hậu Giang là voso.vn và postmart.vn, tổng sản phẩm của tỉnh đã đưa lên sàn là 160 sản phẩm. Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục tận dụng ưu thế cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc xây dựng, phát triển Ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang App) cũng là một trong những điểm nhấn nổi bật, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh nhà.

Chia sẻ về những định hướng của tỉnh, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Chúng tôi bám sát những chỉ đạo của Trung ương và gắn liền với thực tế của Hậu Giang và qua Hội nghị Diễn đàn kinh tế của TP. Hồ Chí Minh về Chuyển đổi số thì chúng tôi hết sức tâm đắc với công việc này và trên tinh thần học tập kinh nghiệm các địa phương về lĩnh vực thu hút đầu tư. Ngoài ra, về lĩnh vực chuyển đổi số thì chúng tôi sẽ áp dụng để làm sao tổ chức công tác chuyển đổi số của tỉnh Hậu Giang một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân đến với Hậu Giang”.

Đảm bảo tính đặc thù, không máy móc

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. Hồ Chí Minh trong tương lai”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thông tin: Những yếu tố cần thiết của quá trình chuyển đổi số bền vững đó là cần có sự đột phá về mặt thể chế, trọng tâm là về mặt pháp luật, tháo gỡ những khó khăn để huy động tối đa các nguồn lực. Xây dựng thể chế theo đổi mới sáng tạo, mà cụ thể hơn là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.

“Về nguồn lực con người, trong đột phá không chỉ chú trọng nguồn lực chất lượng cao, mà nguồn lực từ nhà quản trị, kinh doanh có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra, trong phát triển hạ tầng như hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục đào tạo. Trong đó, hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số nhanh chóng. Bên cạnh công ty đổi mới sáng tạo, hệ thống tài chính số, công nghệ tài chính cũng phải đi theo”, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết thêm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định “là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”.

“Chính trong đại dịch Covid-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể. Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác tốt tiềm năng này”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế số, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. “Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.

Thành phố cũng cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế; vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh, không máy móc. Định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của thành phố.

“Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ ra, chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Cách làm là những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện, còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội.