Chuyên gia chỉ ra lỗ hổng trong thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Ứng phó với tình trạng gia tăng lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản người dùng, các ngân hàng “bạo tay” chi tiền bảo vệ dòng thanh toán ở phần hệ thống, trong khi “bỏ ngỏ” vấn đề gian lận thanh toán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thống kê cho thấy, chi tiêu trực tuyến đã gần chạm ngưỡng 25% tổng chi tiêu bán lẻ so với mức 15% trước đại dịch. Các chuyên gia cho rằng, con số này vẫn còn tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Thanh toán không dùng tiền mặt khởi sắc

Nhận định về xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, tại một cuộc toạ đàm gần đây, bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay) nhận định, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bắt kịp xu hướng tiêu dùng không tiền mặt. Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người đang được cải thiện những năm gần đây...

Bên cạnh đó, tăng trưởng 2 con số hàng năm về doanh thu của thị trường thương mại điện tử, sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng 4G đã làm giảm đáng kể chi phí internet di động, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có chi phí internet rẻ thứ 10 trên thế giới... Tất cả đều đang góp phần đưa tiêu dùng không dùng tiền mặt ngày càng khởi sắc.

Các chuyên gia cho rằng con số chi tiêu trực tuyến đã gần chạm ngưỡng 25% tổng chi tiêu bán lẻ sẽ còn tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Minh chứng rõ nhất là quy mô giao dịch tại các kênh giao dịch của ngân hàng đã có sự biến động lớn. Trong đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ khối lượng giao dịch trên các kênh online đến từ sự chuyển dịch xu hướng giao dịch của tập khách hàng hiện hữu và sự tăng trưởng đáng kể số lượng khách hàng online.

Số liệu thống kê tại NAPAS, trong quý I/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với quý I/2021. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM có xu hướng giảm về số lượng (-9,6%) và về giá trị giao dịch (-8,8%) so với cùng kỳ 2021.

Tại Vietcombank, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, trong năm 2021, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của ngân hàng này tăng trưởng 62,5% về số lượng giao dịch và gần 30% về giá trị giao dịch so với năm 2020, tương ứng bình quân đạt khoảng 1,5 triệu giao dịch online/ngày.

Người dùng cảm thấy bơ vơ khi xảy ra sự cố

Theo các chuyên gia, song song với sự phát triển của giao dịch thanh toán không tiền mặt là sự gia tăng của các mối nguy lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản người dùng. Để giảm thiểu tình trạng này, các ngân hàng thường xuyên cập nhật và trang bị những kiến thức cần thiết cho khách hàng để làm chủ giao dịch, tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, tội phạm không tập trung vào các cơ sở hạ tầng tài chính, mà nhắm vào người sử dụng- người dùng cuối và đó là lỗ hổng lớn nhất.

"Câu chuyện về an toàn không dùng tiền mặt phần lớn đều quy về người tiêu dùng. Đó là thực tế, nhưng chỉ nghĩ vậy thì rất khó cho người tiêu dùng và có thể khiến họ thấy mình không được an toàn”, ông Nguyễn Hải Minh, chuyên gia công nghệ tại Công ty Fivetech nói. Đồng thời, nêu vấn đề: "Vậy trách nhiệm ở đâu? Có một thực tế đúng là vấn đề đang nằm phần nhiều ở người tiêu dùng. Nhưng các tổ chức tài chính, ngân hàng, ví điện tử nên chuyển hướng từ khuyến cáo, nhắc nhở sang quan tâm bảo mật cho người dùng".

Có thể nói, hiện nay, người dùng cảm thấy bơ vơ, không nhận được sự hỗ trợ của nhà cung cấp khi xảy ra sự cố. Các chuyên gia cho rằng, nếu không còn cảm thấy an toàn, người tiêu dùng sẽ phải tìm phương án khác.

Theo ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam: “Ngân hàng chưa quan tâm nhiều tới vấn đề gian lận thanh toán. Ngân hàng bảo vệ dòng thanh toán ở phần hệ thống, nhưng gian lận thanh toán 80% đến từ người dùng cuối”.

Thách thức lớn nhất hiện nay của ngân hàng là xác thực được giao dịch thực hiện bởi chủ tài khoản hay không phải chủ tài khoản. Ông Khanh phân tích, trên các app ngân hàng đều có bảo mật theo chuẩn thế giới (iSecure) nhưng vẫn là quan tâm tới bảo mật nhiều hơn là chống gian lận. Và điều này chưa bao giờ là đủ trong giai đoạn hiện nay. Bởi có nhiều phần mềm có khả năng theo dõi màn hình điện thoại, nên bảo mật OTP cũng không phải hoàn toàn an toàn.

Giám đốc Kaspersky Việt Nam chia sẻ về phương thức chống gian lận thanh toán trong người dùng cuối: “Hiện nay, các giải pháp công nghệ thông tin đều sử dụng AI, ML, DeepLearning cho giải pháp chống gian lận thanh toán. Kaspersky bảo vệ bằng cách dịch vụ phát hiện ra những giao dịch ở dark web (tài khoản, CreditCard, mã nguồn, tài khoản người dùng cuối…). Những đường link internet banking, tổng đài, app giả mạo cũng có thể bị phát hiện và cảnh báo”.

"Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế rõ nét trong kỷ nguyên số với việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến, góp phần đưa thanh toán dịch vụ công như điện/ nước, viện phí, học phí trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn ngay trên smartphone".

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)