Chuyển giá hợp pháp - chuyển giá phi pháp dưới góc nhìn của chuyên gia
Chuyển giá là một trong những chủ đề được đề cập khá nhiều tại các diễn đàn và phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Đa số ý kiến có cách nhìn không thiện cảm về chuyển giá. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Sự thay đổi về chuyển giá” do Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội, đa số các chuyên gia cho rằng, chuyển giá không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Giám đốc Amcham, ông Adam Sitkoff bày tỏ quan ngại đối với cách nhìn nhận phổ biến về chuyển giá, như một công cụ trốn thuế và là hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông Adam Sitkoff, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn.
Chính vì vậy, cách nhìn nhận thiếu khách quan về các giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia, khi quyết định rót vốn vào Việt Nam. Do đó, ông Adam cho rằng, cần thiết phải có phương pháp xác định mức giá phù hợp với giao dịch, bao gồm cả các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ tài chính hay phân bổ chi phí, cổ phần.
Đánh giá rõ hơn về vấn đề này, cố vấn cao cấp Trung tâm thuế và đầu tư quốc tế ông Wayne Barford phân tích, chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc một hệ thống sở hữu.
Do các giao dịch xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, nên các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với phương pháp thông thường, dựa trên giá thị trường giữa các doanh nghiệp độc lập.
Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý, cần phải phân biệt giữa “chuyển giá hợp pháp” và “chuyển giá phi pháp”. Theo đó, việc doanh nghiệp tận dụng tối đa các quy định của pháp luật để dàn xếp một mức giá chuyển giao hàng hoá, dịch vụ sao cho không vi phạm quy định của các nước có liên quan, thì hành vi đó không thể coi là phi pháp.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp tiết kiệm được số tiền thuế một cách hợp pháp. Trái lại, các giao dịch hàng hoá, dịch vụ được dàn xếp mà vi phạm các điều luật về giá cả, điều kiện giao hàng, thực hiện dịch vụ… sẽ được xếp vào diện “chuyển giá phi pháp”.
Đại diện Công ty kiểm toán Ernst&Young Việt Nam cũng chia sẻ, vấn đề xác lập giá trong các giao dịch liên kết là một vấn đề khó, mà thực tế đã phát sinh trong hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, do phải xem xét việc sử dụng giá giao dịch liên kết nội bộ của các tập đoàn dựa trên hệ thống pháp luật thuế khác nhau.
Để xác định doanh nghiệp có lạm dụng chuyển giá để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hay không, cần có một quá trình phân tích và rà soát kỹ lưỡng bối cảnh thực hiện giao dịch liên kết và thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho biết, để kiểm soát hoạt động chuyển giá, những nước phát triển như G20, khối OECD cũng như các nước đang phát triển đã triển khai chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).
Tháng 6/2017, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS và đã có các lộ trình để thực hiện các chương trình hành động.
Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP với nhiều thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế, đang chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quản lý hoạt động chuyển giá một cách hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Chính phủ và cộng đồng nên có cách nhìn toàn diện và khách quan hơn về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về những giao dịch nội bộ hợp pháp giữa các đơn vị trong tập đoàn đa quốc gia.
Về phía cơ quan thuế, cần thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức để có nhận thức đúng về hoạt động giao dịch liên kết của doanh nghiệp, tránh việc thường xuyên thanh, kiểm tra, ảnh hưởng đến hoạt động cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.