Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã thu được những kết quả quan trọng

PV.

Báo cáo thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 22/10/2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng.

Phiên họp chiều ngày 22/10/2018 của Quốc hội. Nguồn: QH
Phiên họp chiều ngày 22/10/2018 của Quốc hội. Nguồn: QH

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Chi NSNN trong 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,4% kế hoạch 5 năm; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%; Tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước. Cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN; Tỷ lệ bội chi và nợ công/GDP giảm dần. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm…

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá, qua 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách hàng năm đã có sự gắn kết chặt chẽ cùng hướng tới mục tiêu chung, tạo sự kết nối giữa chi tiêu của các ngành với kế hoạch tổng thể của địa phương, đáp ứng tính liên tục trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành NSNN đã được siết chặt; Hạn chế việc tùy tiện điều chỉnh dự toán, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường. Việc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 cũng đã bước đầu tạo tính chủ động cho các bộ, ngành trong việc dự báo khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành được giao.

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong quản lý thu, chi NSNN; Công tác kế toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; Quản lý tài sản công đã được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả. Công khai, minh bạch ngân sách được chú trọng. Đặc biệt, cơ cấu chi ngân sách có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cao hơn mục tiêu đã đề ra; Tỷ lệ bội chi và nợ công/GDP bảo đảm trong kế hoạch. Nợ công hàng năm, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều giữ ở thấp hơn giới hạn đề ra...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quản lý thu NSNN; Rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ về ưu đãi đầu tư, chống chuyển giá. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao trong việc báo cáo và đánh giá bổ sung về dự kiến tác động của việc thay đổi chính sách thuế hiện nay trong quan hệ thương mại quốc tế của một số quốc gia lớn đối với kinh tế - tài chính Việt Nam; Tiến trình cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước đến số thu NSNN; Rà soát nguồn thu từ đất để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN của một số bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 để điều chỉnh tổng thể Kế hoạch Đầu tư công trung hạn...