Chuyên gia kinh tế: "Đầu tư vàng được xem là kênh trú ẩn nhưng đầy rủi ro"

Theo Lan Anh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: "Đầu tư vàng năm nay được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá vàng biến động rất mạnh”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá vàng biến động “bấp bênh”

Giá vàng trong nước dù đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn đang ở mức cao so với giá vàng thế giới. Bất chấp thị trường kim loại quý thế giới đảo chiều giảm gần 10 USD/ounce, các nhà vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng giá bán trong sáng 8/3.

Đáng chú ý, giá vàng SJC trên hệ thống PNJ cao hơn khi tăng vọt lên 70,90 - 74,00 triệu đồng/lượng. Trước đó, cuối chiều 7/3, giá vàng SJC tại hệ thống PNJ đã vượt 74 triệu đồng/lượng khi được niêm yết 71,25 - 74,15 triệu mua vào và bán ra. Đây là kỷ lục mới của giá vàng trong nước.

Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tăng mạnh thêm 3,75 triệu đồng mua vào và 4,5 triệu đồng bán ra lên 71,50 - 73,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước và thế giới hiện thiết lập những cột mốc cao kỷ lục mới, khiến thị trường diễn biến hết sức sôi động. Một bộ phận các nhà đầu tư tranh thủ giá vàng cao bán ra chốt lời, tuy nhiên cũng có bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng còn lên nữa do những lo ngại về tình hình chiến sự chưa có dấu hiệu lắng xuống" - Ông Phạm Văn Tuy, Phó phòng kinh doanh hệ thống cửa hàng vàng bạc Bảo Tín Minh Châu chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế: "Đầu tư vàng được xem là kênh trú ẩn nhưng đầy rủi ro" - Ảnh 1
Bảng giá vàng trong nước lúc 15h ngày 8/3. (Đơn vị: đồng/chỉ)

 

Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, giá vàng trong nước bất ngờ giảm mạnh sau nhiều phiên phi mã. Vàng miếng SJC giảm tới 2,2 triệu đồng mỗi lượng xuống 72,2 triệu đồng.

Cụ thể, lúc 13h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá bán ra 72,2 triệu đồng, giảm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Còn giá mua vào chỉ giảm 2 triệu đồng, xuống 70,4 triệu đồng. Trong khi đó, vàng nhẫn giữ giá ổn định quanh mức 56-57 triệu đồng một lượng.

Theo nhận định của Wells Fargo, vàng có thể sẽ chứng kiến đợt tăng giá mạnh trong năm 2022. Sau khi kết thúc năm 2021 với mức giảm 3,6%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2015, vàng đang tìm kiếm một cuộc phục hồi đột phá hướng tới mức cao kỷ lục mới.

"Lợi nhuận từ tài sản rủi ro có thể cao hơn với sự biến động cao hơn trong năm nay, điều này có thể thúc đẩy sự quay trở lại nơi trú ẩn an toàn là vàng", Nhà phân tích chiến lược đầu tư Austin Pickle của Wells Fargo nhấn mạnh.

Những thay đổi kinh tế vĩ mô có khả năng khuyến khích mua vàng nhiều hơn trong suốt cả năm 2022. Dự báo, ​​giá vàng có thể đạt mức đỉnh từ 2.000 - 2.100 USD/oz vào cuối năm nay, nhà phân tích chiến lược đầu tư Austin Pickle của Wells Fargo nêu quan điểm.

Được biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về địa chính trị, lạm phát cao, việc phân bổ vốn vào vàng, chứng khoán, bất động sản ra sao cho phù hợp cũng là một bài toán khó đối với các nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng thế giới sẽ còn lên cao nữa khi căng thẳng tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, vàng lại đang gặp lực cản lớn khi đồng bạc xanh mạnh lên và nhiều ngân hàng trung ương dự kiến tăng lãi suất.

Hơn nữa, vàng trong nước đang đắt hơn rất nhiều so với vàng quốc tế. Vàng thế giới hiện nay mới chỉ quanh mốc 2.000 USD/ounce, tương đương 55 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 18 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là mức chênh lệch "khủng khiếp" và rủi ro với những người mua vào lúc này là rất lớn. Tuy nhiên, sau nhiều lo ngại về rủi ro, vàng trong nước vẫn liên tục tăng giá trong suốt thời gian qua, bất chấp vàng thế giới có đi ngang hay điều chỉnh. 

Có nên đầu cơ trong thời điểm này?

Theo nhận định của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ở Việt Nam chỉ Ngân hàng Nhà nước được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao.

"Giá vàng sẽ lên xuống bất ổn trong thời gian này, vì vậy người dân không nên đầu cơ, "lướt sóng" vàng trong thời gian ngắn bởi thị trường vàng rất bất định, không thể biết được giá vàng lên xuống như thế nào", TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Bên cạnh đó, giá vàng thế giới và Việt Nam chênh lệch cao tạo nguy cơ buôn lậu vàng vì giới buôn lậu mua rẻ trên thị trường nước ngoài và bán trong nước với giá cao.

Trao đổi về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Nghị định số 24 đi vào cuộc sống thấy rằng đem lại lợi ích cho nền kinh tế ở cả góc độ vi mô và vĩ mô, ở góc độ vĩ mô là giá vàng không "nhảy múa" như trước, làm ảnh hưởng chung đến giá cả hàng hoá, không ảnh hưởng đến giá của tỷ giá ngoại tệ, và tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô.

Chính sách chống vàng hóa, đô la hóa của Chính phủ đã phát huy sự hiệu quả, khiến nền kinh tế không còn bị tác động nhiều bởi những đợt tăng giá vàng như trước, tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi đầu tư vàng, ngoại tệ để tránh những diễn biến khó lường.

Hiện mỗi lượng vàng trong nước cao có thời điểm cao hơn vàng thế giới tới 18 triệu đồng/lượng, theo các chuyên gia, việc đầu tư vàng lúc này rất rủi ro.

Ông Cấn Văn Lực nhận định: "Nhiều người dân vẫn coi vàng là một kênh trú ẩn đầu tư trong thời điểm có nhiều rủi ro và đây cũng là thời điểm mùng 8/3 được xem là yếu tố thời vụ. Đầu tư vàng năm nay được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá vàng biến động rất mạnh”.

Trước diễn biến này, giới chuyên gia khuyến cáo người dân không nên đầu cơ đặc biệt không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn này. Người dân cũng thận trọng khi tập trung đầu tư vào vàng miếng bởi với nguồn cung giới hạn, nếu thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt.