Chuyên gia nhận định cuộc đua lãi suất sẽ chấm dứt từ giữa năm 2023


Vào tháng 5/2023 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải "đua" lãi suất theo lãi suất của đồng USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đó cũng là dư địa để Việt Nam đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô.

Các chuyên gia kiến nghị giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Các chuyên gia kiến nghị giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm nay, bài toán khó nhất đối với NHNN là tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá. Bởi lẽ, nếu hy sinh tỷ giá thì giữ được lãi suất và giữ được dự trữ ngoại hối. Ngược lại, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn tới với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 200% so với GDP, dẫn tới việc nhập khẩu lạm phát. Điều này khiến lạm phát trong nước không kiểm soát được. Mà khi đó, các mục tiêu vĩ mô cũng không thể kiểm soát được.

Bước sang năm 2023, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của dòng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, NHNN sẽ đạt được mục tiêu của nội bộ ngành là duy trì sự hoạt động lành mạnh, ổn định của ngành ngân hàng.

Bàn về chính sách tiền tệ, dưới góc nhìn của cá nhân, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có "cửa hẹp" trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế khi các điều kiện bên ngoài cho phép.

Chuyên gia này phân tích, tác động thứ nhất là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tần suất tăng lãi suất xuống chỉ còn 3 lần trong năm 2023, mức tăng lãi suất của Fed tháng 2/2023 chỉ khoảng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm trong kỳ điều chỉnh trước đó.

"Thời điểm đầu tháng 5, khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, đến thời điểm tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải đua lãi suất theo lãi suất của đồng USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô", ông Thành nhận định.

"Hiện nay, lãi suất thực của Việt Nam rất cao, nếu duy trì trong cả năm sẽ rất khó. Nhưng chúng ta có cửa hẹp để hạ lãi suất và thời điểm rơi vào giữa 2023, nếu nhìn từ phía Mỹ", ông Thành nhấn mạnh.

Tác động thứ 2 đến "cửa hẹp" để Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách đến từ phía Trung Quốc.

Ông Thành phân tích: Việc Trung Quốc mở cửa dự đoán tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam từ quý II/2023.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý, ngay cả dưới tác động mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn cần tính chủ động, không nên chờ đợi thụ động. Chính sách tiền tệ phải chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ mặt bằng lãi suất. Vượt qua thách thức, chịu đựng "đau thương" trong quý I và quý II/2023.

"Nhưng ngay cả trong giai đoạn khó khăn này vẫn phải đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đến khi nào Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì chúng ta phải mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa năm 2023", vị chuyên gia nhìn nhận.

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023", dưới góc nhìn của chuyên gia độc lập, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cái giá phải trả của việc giữ tỷ giá tại Việt Nam không đơn giản. "Không nên quá cứng nhắc một mục tiêu để doanh nghiệp trả giá quá đắt, khi chi phí vốn vay quá lớn", ông nói.

Vị chuyên gia dẫn chứng, năm 2022, quan điểm của Việt Nam là cân bằng giữa yếu tố vĩ mô và nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam là trên 3%, nhưng lãi suất tăng 6-7%.

"Lãi suất tăng gấp đôi lạm phát, như vậy cần lý giải tại sao và mối quan hệ này có gì đặc biệt hay không? Cần có suy nghĩ về trạng thái cân bằng giữa lạm phát, lãi suất trong năm 2023", ông Đạt phân tích.

Đồng thời, ông nhận định: Năm 2023 là năm khá đặc biệt. Vì vậy không nên quá cứng nhắc một mục tiêu khiến doanh nghiệp trả giá quá đắt, khi chi phí vốn vay quá lớn. Vì vậy, cần căn bằng hài hoà giữa lạm phát và lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn