Ứng phó với thời kỳ lãi suất tăng


Theo TS. Vũ Đình Ánh, các doanh nghiệp phải xác định rằng thời kỳ tiền tệ giá rẻ đã đi qua, cần tính toán lại các phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận tài chính và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy...

Khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành đã tác động tới lãi suất huy động và lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp
Khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành đã tác động tới lãi suất huy động và lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục trong năm 2022 lên mức 3,75 - 4% không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, để tránh đồng tiền bị ảnh hưởng cũng như dòng vốn dịch chuyển, gần như tất cả ngân hàng trung ương các nước trên thế giới trong năm 2022 đều tăng lãi suất, Việt Nam cũng có hai lần tăng vào tháng 9 và tháng 10 với mức tăng lên tới 1% ngay cả khi chúng ta không xảy ra hiện tượng lạm phát cao.

Khi Fed tăng lãi suất thì đồng đô la Mỹ lên giá, có thời điểm chỉ số DXY đạt mức kỷ lục 120 điểm. Trong bối cảnh đó, chúng ta buộc phải tăng lãi suất đồng thời kìm hãm sự mất giá của VND. Như vậy, vừa tăng lãi suất, vừa kiểm soát tín dụng và cung tiền là những ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách của Fed.

Về chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chúng ta đã quán triệt quan điểm chủ động, linh hoạt, xác định đó là nguyên tắc điều hành mà trong năm 2022 đã thể hiện và tuân thủ theo đúng các nguyên tắc này.

Nhìn lại thời điểm đầu năm 2022, Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để giúp nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.  Bằng chứng cho thấy chỉ trong 6-7 tháng đầu năm, tổng mức tín dụng của chúng ta đã lên tới gần 10% để cung cấp vốn cho nền kinh tế. Đồng thời duy trì lãi suất ở mức thấp kể cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng như liên quan tới lãi suất điều hành của NHNN.

“Vấn đề nữa là chúng ta vẫn có sự thận trọng nhất định, vừa duy trì ổn định lãi suất, ổn định tỷ giá. Chính điều này đã hỗ trợ rất tích cực cho vấn đề xuất khẩu của Việt Nam khi những tháng cuối năm, xuất khẩu vẫn tăng trưởng hai con số trước bối cảnh thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung NHNN đã làm tốt chính sách của mình để giúp ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng Việt Nam cũng đã vượt qua được hạn chế do tác động của COVID-19 và dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể ở mức 8%”, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá.

Tuy nhiên gần đây, khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành đã tác động tới lãi suất huy động và lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt trong quý 4/2022 xuất hiện tình trạng thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Theo vị chuyên gia, tính đến hết tháng 11/2022, tín dụng đã tăng xấp xỉ khoảng 12% trong tổng tín dụng được phép tăng là 14%, trong khi đó huy động chỉ tăng hơn 5%. Đặc biệt tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 4-5% đã tạo ra khó khăn về mặt vĩ mô cho thanh khoản. Thực tế thời gian vừa qua, khá nhiều ngân hàng đã cho vay gần như đến giới hạn của tỷ lệ huy động trên tỷ lệ cho vay. Do đó, để đảm bảo hoạt động cho vay và tính thanh khoản họ đã có cuộc chạy đua về mặt lãi suất, nhưng Chính phủ cũng đã chỉ đạo hạn chế mức thấp nhất tăng lãi suất cho vay.

Với vấn đề này, trước hết các doanh nghiệp phải xác định rằng thời kỳ tiền tệ giá rẻ đã đi qua, lãi suất ở mức tương đối thấp cộng với việc dễ dàng tiếp cận tín dụng cùng các biện pháp hỗ trợ, kể cả gói hỗ trợ lãi suất 2% trong gói 348.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng đã đang phải đối mặt với khó khăn.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải tính toán lại các phương án, trước hết là với các khoản vay cũ, đưa ra bài toán tài chính sẵn sàng cho việc lãi suất tăng.

Thứ hai, họ phải giảm bớt các đòn bẩy tài chính. Ở đây không chỉ liên quan đến giá vốn tăng thông qua lãi suất, mà còn liên quan đến khả năng tiếp cận tín dụng của rất nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn so với giai đoạn trước.

Thứ ba, khi biến số về lãi suất đã tăng, thậm chí có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới thì các phương án để vay vốn liên quan đến sản xuất kinh doanh cần phải lường trước, để có bài toán hợp lý trong việc huy động nguồn vốn tín dụng.

Riêng với việc huy động nguồn lực khác ngoài vốn tín dụng giúp các doanh nghiệp khắc phục tình trạng tăng chi phí tài chính, chi phí đầu vào đặc biệt chi phí tài chính đối với giá đầu ra có thể khiến lợi nhuận bị thu hẹp, thậm chí trong một số trường hợp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ. Vì vậy tôi khuyến nghị các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này.

Có thể thấy, giảm lãi suất cho vay là mong mỏi không chỉ của doanh nghiệp, mà cả ngân hàng. Lãi suất cho vay cao sẽ khiến nợ xấu tăng, doanh nghiệp dừng các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, nền kinh tế đình trệ… Ngân hàng cũng khó tránh khỏi vòng xoáy tiêu cực này.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV khuyến nghị: “Chúng ta cần phải cân bằng lãi suất và tỷ giá. Năm 2022, nhằm kiểm soát tỷ giá, NHNN đã phải tăng lãi suất. Song nếu lãi suất tăng mạnh quá, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được. Chúng tôi đã có tính toán sơ bộ và thấy rằng, chúng ta cần phải hết sức thận trọng với công cụ lãi suất thời gian tới. Năm 2023, chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút, song cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất. Điều tích cực là áp lực tỷ giá năm tới đã nhẹ đi đáng kể”.

Theo Diễm Ngọc/Diendandoanhnghiep.vn