Cơ cấu lại nguồn thu để giảm thiểu rủi ro

Theo Khuê Nguyễn/thoibaonganhang.vn

Sự chuyển hướng trong cơ cấu hoạt động, bớt phụ thuộc vào tín dụng, nhất là tín dụng bán buôn còn giúp các nhà băng giảm thiểu được rủi ro do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khi mà dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ với ngân hàng.

Các ngân hàng đang nỗ lực giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng
Các ngân hàng đang nỗ lực giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng

Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng là một trong những giải pháp để cải thiện lợi nhuận cho ngân hàng, hạn chế rủi ro được nói tới rất nhiều trong những năm trở lại đây. Ngay trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu ra chỉ tiêu cho từng giai đoạn đối với việc tăng thu từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Theo đó, phấn đấu tới hết năm 2020, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 12 - 13%; và tới năm 2025 phấn đấu con số này tăng lên 16 - 17%.

Đặc biệt thời điểm này, khi cả nền kinh tế đang phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 với những tác động chưa thể đong đếm được hết, thì hệ thống ngân hàng cũng đứng trước thách thức chỉ tiêu kinh doanh nhiều khả năng không đạt được như mục tiêu đề ra, và phải tìm cách để bù đắp thiếu hụt nguồn thu từ hoạt động tín dụng trong bối cảnh cầu tín dụng giảm và NIM cũng bị thu hẹp đáng kể.

Sự chuyển hướng trong cơ cấu hoạt động, bớt phụ thuộc vào tín dụng, nhất là tín dụng bán buôn còn giúp các nhà băng giảm thiểu được rủi ro do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khi mà dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ với ngân hàng.

Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng: cần phải nhìn nhận rõ rằng việc tăng thu từ dịch vụ là điều mà các nhà băng phải thật sự chú trọng. “Vì nếu xét theo xu hướng chung, kể cả không gặp những rủi ro về dịch bệnh, thì tín dụng cũng sẽ khó có cơ hội để tăng trưởng cao như những năm trước mà chúng ta đang ngày càng chú trọng tới chất lượng của dòng vốn nhiều hơn là số lượng”, chuyên gia này chia sẻ.

Trên thực tế, các ngân hàng cũng nhận thức rõ điều này và đã tập trung đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng từ nhiều năm nay, cơ cấu thu nhập của nhà băng cũng vì thế mà đang dần có sự chuyển biến. Nguồn thu từ dịch vụ có sự tăng trưởng tích cực ở nhiều ngân hàng đồng nghĩa với việc sự lệ thuộc vào các sản phẩm cho vay truyền thống đang giảm dần, dịch vụ tài chính - ngân hàng cũng đa dạng hoá hơn. Năm 2019, Vietcombank là ngân hàng thu nhiều nhất trong hoạt động dịch vụ với 4.309 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với năm 2018; BIDV và VietinBank cũng ghi nhận mức thu từ hoạt động dịch vụ tăng khá cao với lần lượt 4.284 tỷ đồng và 4.056 tỷ đồng. MB, Techcombank, Sacombank cũng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trên 3.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng cũng cho thấy mức tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trên 100% như LienVietPostBank (157%), VIB (145%), NCB (100%)...

Ngay từ đầu năm 2020, lãnh đạo Vietcombank đã nhấn mạnh ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trên tổng thu nhập, lấy trọng tâm là dịch vụ. Đại diện nhà băng này cho hay, Vietcombank sẽ chú trọng tăng mạnh nguồn thu dịch vụ từ các sản phẩm, dịch vụ gắn với chuyển đổi ngân hàng số; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường công tác bán hàng, tăng cường hiệu quả bán tổng thể các sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.

Covid-19 là yếu tố rủi ro, thách thức từ bên ngoài, cũng là nguyên do để “kích thích” thêm việc các ngân hàng chú ý hơn tới đẩy mạnh mảng bán lẻ và dịch vụ như: bancassurance; tư vấn giải pháp tài chính, kinh doanh; kinh doanh ngoại tệ; kinh doanh thẻ...

Bancassurance đã trở thành một phần trong chiến lược tăng trưởng của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng định hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang bán lẻ. Báo cáo chiến lược của CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho biết, thu nhập từ mảng dịch vụ của ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng và chủ yếu được thúc đẩy dịch vụ bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Viecombank và ACB được dự báo sẽ là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể, khi Vietcombank đã ký độc quyền với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD vào tháng 11/2019; ACB cũng sẽ sớm thoả thuận bảo hiểm độc quyền trong năm nay. Các nhà băng đang khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng dịch vụ qua các kênh giao dịch trực tuyến qua việc miễn giảm phí nhiều loại phí dịch vụ liên quan tới chuyển tiền cũng giúp cho mảng kinh doanh này có cơ hội tăng trưởng hơn.

Việc thúc đẩy các kênh giao dịch trực tuyến cũng sẽ phần nào hỗ trợ cho ngân hàng cải thiện thêm nguồn thu. Chìa khoá để giúp đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ nằm ở nhân sự, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như lựa chọn ra sản phẩm phù hợp. Chỉ xét riêng với lĩnh vực thanh toán, việc đẩy mạnh công nghệ thông tin sẽ giúp khách hàng tăng thêm sự thuận tiện, gia tăng trải nghiệm và thúc đẩy thói quen sử dụng công nghệ nhiều hơn trong các giao dịch với ngân hàng.

Ứng dụng của công nghệ hiện đại cũng hỗ trợ rất nhiều trong thu phí từ dịch vụ. Có một hạ tầng công nghệ vượt trội, các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến sẽ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là ngân hàng phải hiểu nhu cầu, hành vi trên kênh số của khách hàng để từ đó tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm mang lại giá trị và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.