Phát triển Fintech: Chất hay lượng?
Dù không bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 do nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến tiếp tục duy trì thậm chí tăng so với thời gian trước khi có dịch, nhưng không nên mở rộng số lượng mà nên hướng đến chất lượng tức là tiếp tục gia cố sản phẩm dịch vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Sau một thời gian đưa ra lấy ý kiến về việc giới hạn tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49%, chỉ áp dụng đối với trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech), tại dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, NHNN cho biết NHNN sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp bốn lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. NHNN cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho 32 đơn vị làm trung gian thanh toán.
Quyết định loại bỏ room sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán của NHNN được giới chuyên môn đánh giá là phù hợp, và kỳ vọng tạo chất xúc tác để hút vốn ngoại đồng thời đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt. Vậy tương lai cho các công ty fintech sẽ thế nào? Xu hướng phát triển của Fintech trong thời gian tới đi vào số lượng hay chất lượng?
Một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh, Fintech là một lĩnh vực còn mới ở Việt Nam và để phát triển mạnh Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư cho công nghệ, thị trường cho đến nhân lực và cả cho người dùng.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song các Fintech ở Việt Nam còn rấ́t non trẻ nếu so sánh với mức độ phát triển của Fintech trên thế giới. Thực tế cho thấy Fintech tại Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, hoạt động giới hạn chỉ trong lĩnh vực thanh toán. “Mặc dù đã tạo dựng được vị thế nhất định trên thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn khá khiêm tốn”, TS. Lực nói thêm.
Đánh giá về cơ hội phát triển trong giai đoạn này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho rằng, đây là thời điểm để DN Fintech phát triển mạnh hơn và góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam sớm đi vào nền kinh tế phi tiền mặt, kinh tế số khi mọi thanh toán được sử dụng online. “Thời điểm này hầu hết người dân đang muốn hạn chế tiếp xúc với người bán, người giao hàng vì thế thanh toán điện tử sẽ là lựa chọn ưu tiên của họ. Khi sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến họ thấy tiện ích sẽ tiếp tục duy trì và tạo thói quen sử dụng thường xuyên hơn”, TS. Hiếu nhìn nhận.
Tuy nhiên TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lưu ý, dịch bệnh Covid-19 cũng sẽ tác động mạnh tới năng lực tài chính của các DN nói chung nên việc kêu gọi thêm vốn không còn dễ dàng như trước đây. Dù không bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch này do nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến tiếp tục duy trì thậm chí tăng so với thời gian trước khi có dịch, nhưng không nên mở rộng số lượng mà nên hướng đến chất lượng tức là tiếp tục gia cố sản phẩm dịch vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đại diện của các Fintech cũng thừa nhận là trong những tháng gần đây giao dịch thanh toán tăng trưởng đột biến. Trao đổi với phóng viên, đại diện VNPAY – QR cho hay, hiện chưa cập nhật số liệu giao dịch tháng 3/2020 song riêng tháng 2/2020, tăng trưởng giao dịch bằng QR code tăng tới 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo cũng cho biết, thanh toán qua ví điện tử này cũng tăng gấp đôi từ sau tết.
Tuy nhiên, để hỗ trợ các DN Fintech tận dụng được cơ hội phát triển tốt hơn, TS. Cấn Văn Lực đề xuất sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quả̉n lý hoạ̣t động Fintech, Bigtech theo hướng mở như kinh nghiệm của Trung Quốc, ban hành quy định thí điểm sandbox đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng… nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và DN.
Trong đó, TS. Lực đề xuất xây dựng cơ chế quản lý cho Sandbox theo hướng cần phải được xây dựng và triển khai áp dụng với quan điểm DN được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Tuy nhiên, khung pháp lý Sandbox phải có “không gian và thời gian được xác định rõ ràng” vì “thử nghiệm thất bại có thể xảy ra”. Chính phủ có thể cho phép áp dụng cơ chế Sandbox theo mô hình củ̉a Singapore với mục đích hỗ trợ các DN thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng cần nghiên cứu xây dựng những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế đặc thù dành cho DN công nghệ theo mô hình của một số quốc gia như Thụy Sĩ, Nga, Belarus, Philippines, Trung Quốc.
Chia sẻ quan điểm về Sandbox, TS. Võ Trí Thành cho rằng, do là cơ chế thử nghiệm nên sẽ không có một chính sách chung cho tất cả vì mỗi DN có công nghệ, tư duy, mô hình kinh doanh khác nhau nên có thể áp dụng theo trường hợp cụ thể để làm sao vừa hỗ trợ phát triển nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro.