Cơ cấu lại nguồn vốn huy động
Theo ông Quản Trọng Thành - Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, NHNN hạ mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng có tác động tích cực đến chi phí huy động vốn trung bình của các ngân hàng. Bởi trước khi áp mức trần lãi suất tiền gửi mới, tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chiếm khoảng 25 - 30% tổng số tiền gửi hệ thống ngân hàng, với mức lãi suất khoảng 4,5 - 4,75%/năm.
Sau hai lần NHNN giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm đến nay, hiện các NHTM huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất tối đa 4,25%/năm. Nhưng người gửi tiền kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn nhận được lãi suất hấp dẫn. Theo quan sát của phóng viên, đến cuối tháng 5/2020 có khoảng 20 ngân hàng áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 6,1 - 6,9%/năm, một số ngân hàng quy mô nhỏ áp dụng mức trên 7%/năm.
Cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại khi NHNN giảm lãi suất huy động tối đa đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn trong huy động vốn. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, nắm giữ ngoại tệ mức sinh lời là không lớn do lãi suất huy động USD vẫn duy trì ở mức 0% và tỷ giá ổn định. Bởi vậy, tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân. Đặc biệt, việc NHNN giảm lãi suất huy động tối đa đối với các kỳ hạn ngắn, còn khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn, qua đó tạo cơ hội để các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn huy động.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến giữa tháng 5 tổng nguồn vốn huy động toàn hệ thống vẫn tăng 1,74% so với cuối năm 2019. Những thị trường lớn như TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm nay vốn huy động ngắn hạn của các TCTD có xu hướng giảm nhẹ nhưng các kỳ hạn trung và dài hạn lại đang tăng lên.
Trên thực tế, hiện mặt bằng lãi suất huy động các kỳ dưới 6 tháng có xu hướng giảm đồng loạt ở các NHTM theo quy định. Nhưng một số NHTM lại đang khuyến khích khách hàng của mình bằng cách chuyển kỳ hạn dưới 6 tháng sang trên 6 tháng hoặc kỳ hạn dài hơn để giữ chân khách hàng.
Cụ thể, hiện các NHTM áp dụng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức thấp tuy nhiên vẫn giữ nguyên mức lãi suất các kỳ hạn 7-9 tháng, một số NHTM duy trì lãi suất tiết kiệm 9 tháng ở mức 7-7,35%/năm như VietBank, ABBank, PVcomBank, VietCapitalBank, DongABank, BacABank. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng ABBank, VIB, SCB, HDBank… áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng đối với số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng ở mức 7,3-7,6%/năm.
Nhiều ngân hàng còn giữ khách hàng bằng tăng lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn từ 6 và 7 tháng. Một số ngân hàng hiện có lãi suất tiết kiệm online cao hơn so với lãi suất gửi tại quầy từ 0,1% - 1,25% tùy từng kỳ hạn.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB cho biết, thanh khoản trong hệ thống những tháng đầu năm 2020 vẫn ổn định và thậm chí tốt, nên huy động vốn không phải mối lo lớn của các ngân hàng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các NHTM giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn cũng không ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống. Bên cạnh đó, NHNN cũng đồng thời giảm các mức lãi suất điều hành trong cân đối tổng thể nên không đáng lo. Ngoài ra, trong 3 - 4 năm qua, lạm phát của Việt Nam tương đối ổn định, dao động xung quanh mức 4%. Với mức lạm phát này, lãi suất bình quân rơi vào khoảng 4% - 5%/năm vẫn bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương.
Ông Quản Trọng Thành - Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, sau đợt cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 3/2020, chỉ có khoảng 20.800 tỷ đồng được các NHTM sử dụng qua thị trường OMO, tương đương 0,2% tổng dư nợ của các ngân hàng. Trên thực tế nhờ việc tập trung huy động vốn dân cư, thanh khoản của các NHTM vẫn đang rất tốt nên ít có nhu cầu vay từ NHNN.
Theo ông Thành, NHNN hạ mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng có tác động tích cực đến chi phí huy động vốn trung bình của các ngân hàng. Bởi trước khi áp mức trần lãi suất tiền gửi mới, tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chiếm khoảng 25 - 30% tổng số tiền gửi hệ thống ngân hàng, với mức lãi suất khoảng 4,5 - 4,75%/năm.
MBKE cũng nhận định, mức trần lãi suất tiền gửi thấp hơn có thể giúp giảm chi phí vốn trung bình của các ngân hàng khoảng 0,15%. Việc giảm chi phí huy động vốn sẽ làm giảm nhẹ tác động của sự sụt giảm chi phí cho vay trung bình lên biên lãi ròng của các ngân hàng. Từ đó giúp các NHTM không bị ảnh hưởng nhiều khi thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình hỗ trợ tín dụng theo chỉ đạo của NHNN mà vẫn có dư địa để tăng trưởng tín dụng.