Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch mạnh mẽ
(Tài chính) Xuất khẩu không những đạt quy mô và tốc độ tăng khá, mà còn có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, và sự chuyển dịch này đã góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng xuất khẩu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt xấp xỉ 108 tỷ USD, cao hơn mức xuất khẩu cả năm tính từ 2011 trở về trước. Dự báo cả năm sẽ tăng 14,4% so với năm 2012, với kim ngạch ước đạt 131 tỷ USD.
Xuất khẩu đã trở thành một trong những lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất trong năm đã trở thành động lực và “lối ra” của kinh tế hiện nay.
Xuất khẩu không những đạt quy mô và tốc độ tăng khá, mà còn có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực.
Theo cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá theo bảng phân loại tiêu chuẩn ngoại thương trong những năm gần đây như sau:Nguồn: Tổng cục Thống kê (2005-2012)/Ước 10 tháng 2013
|
Cơ cấu chuyển dịch tích cực được xét dưới hai góc độ:
Thứ nhất, xét một cách tổng quát, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hoặc mới sơ chế đã giảm nhanh (tới hơn 1/3).
Cụ thể: Vào năm 2005, lượng xuất khẩu dầu thô lên đến gần 18 triệu tấn, đến năm 2012 còn một nửa (9,25 triệu tấn); 10 tháng 2013 còn trên 5,94 triệu tấn. Lượng than đá giảm từ 32,1 triệu tấn năm 2007 xuống còn 15,2 triệu tấn năm 2012 và trên 9,8 triệu tấn trong 10 tháng 2013.
Theo thống kê sơ bộ, trong 10 tháng 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ chế ước khoảng 32,1 tỷ USD, chỉ chiếm gần 30% tổng kim ngạch, giảm khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số này, giảm mạnh hơn tốc độ chung có cà phê (giảm 23,9%), gạo (giảm 16,9%), than đá (giảm 29,1%), dầu thô (giảm 14,2%), cao su (giảm 13,7%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng chế biến hoặc tinh chế đạt khoảng 75,9 tỷ USD, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cao hơn tốc độ tăng chung (15,2%) có điện thoại các loại và linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện hoá chất, túi, xách, ví, vali, mũ, ô dù, hàng dệt may, giày dép.
Thứ hai, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng chế biến thì kim ngạch các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật-công nghệ cao đã tăng với tốc độ cao hơn và chiếm tỷ trọng khá, trong khi đó, tỷ trọng các mặt hàng chế biến nhưng có tính gia công đã tăng thấp hơn và tỷ trọng giảm. Ví dụ điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD, tăng 76,1% so với cùng kỳ; điện tử máy tính và linh kiện đạt 8,65 tỷ USD, tăng 41,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 4,19 tỷ USD, tăng 10,3% - chỉ 4 loại hàng hóa nói trên đã đạt trên 35,44 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng số và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cơ cấu xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực và chính sự chuyển dịch này lại góp phần làm tăng quy mô và tốc độ tăng xuất khẩu.
Việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu như trên có sự đóng góp tích cực của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, vì khu vực này đã chiếm tỷ trọng cao hơn trong các sản phẩm chế biến hoặc tinh chế, đặc biệt là các mặt hàng có kỹ thuật công nghệ cao. Điều đó cũng cho thấy khu vực kinh tế trong nước cần vươn lên để đón lấy cơ hội lan toả này; mặt khác, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa để giải quyết công ăn việc làm cho lao động trong nước, vừa để tránh việc nhập khẩu linh kiện của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.