Hướng tới tiến trình hợp tác - đối thoại xuyên suốt

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Năm 2013, song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực hiện các mục tiêu cải cách trong lĩnh vực quản lý tài chính công theo kế hoạch đề ra và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hướng tới tiến trình hợp tác - đối thoại xuyên suốt
Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan) kiểm tra thực hiện chạy thử hệ thống tại Cục Hải quan Hà Nội. Nguồn: baohaiquan.vn
Đẩy nhanh tiến trình cải cách

Nêu lên những kết quả chính đạt được trong cải cách quản lý tài chính công, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, tính từ đầu năm đến nay, 18 chương trình, dự án ODA được thực hiện. Tổng khối lượng giải ngân thực tế của các chương trình, dự án trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt 16,2 triệu USD, tương đương 47% kế hoạch giải ngân của cả năm.

Các chương trình, dự án này đã đóng góp vào tiến trình cải cách một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là hoạt động quản lý thu-chi ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Tài chính.

Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý chi, điểm đáng chú ý nhất của dự án Cải cách quản lý tài chính công (vay vốn của Ngân hàng Thế giới - WB) là việc hoàn thành triển khai diện rộng hệ thống TABMIS tại 63/63 tỉnh, thành phố và 40 bộ, ngành. Hệ thống này đã được nghiệm thu hoàn thành và bàn giao cho Bộ Tài chính khai thác sử dụng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ tín thác đa biên giai đoạn 2 (MTDF2), đề án "Thí điểm triển khai khung đánh giá kết quả thực hiện quản lý tài chính công" đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép công bố vào tháng 7/2013.

Về quản lý thu NSNN, bên cạnh sự hỗ trợ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các nhà tài trợ cũng đóng góp rất lớn trong quá trình xây dựng những hệ thống thu hiện đại. Tiêu biểu là dự án VNACCS/VCIS được xây dựng trên nền tảng hệ thống thông quan tự động của Nhật Bản.

Hệ thống này sẽ giúp Việt Nam thực hiện cơ chế "Hải quan một cửa quốc gia" theo đúng cam kết với các nước trong khu vực ASEAN, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư cũng như tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý về Hải quan.

Cùng với đó là dự án Hiện đại hóa quản lý thuế (TAMP) do WB tài trợ để bổ trợ việc xây dựng Hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp ITAIS đã triển khai hoàn tất giai đoạn đầu; dự án Cải cách quản lý hành chính thuế giai đoạn 3 đã góp phần nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan Thuế về các nội dung thuế quốc tế...

Phát huy vai trò Nhóm đối tác

Để tăng cường quan hệ đối tác trong thời gian tới, nhiều biện pháp đã được Bộ Tài chính cũng như các nhà tài trợ thống nhất. Ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc đầu tiên cần làm là tiếp tục phát huy vai trò của Nhóm đối tác giữa Bộ Tài chính và các đối tác tài trợ trong lĩnh vực quản lý tài chính công (PFM), trên cơ sở xây dựng và cải tiến cơ chế điều phối, thực hiện cho phù hợp và hiệu quả hơn. Nội dung hoạt động của Nhóm đối tác cần được thực hiện trên cơ sở tài liệu định hướng và kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm. Dự kiến cơ chế phối hợp này sẽ bắt đầu từ năm 2014.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách và xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý tài chính công sẽ được triển khai định kỳ hàng quý.

Sự liên kết, phối hợp hoạt động giữa các nhóm đối tác trong lĩnh vực tài chính công với nhóm đối tác của các nhóm đối tác của các bộ, ngành khác, với Diễn đàn hiệu quả viện trợ của quốc gia và đặc biệt với tiến trình nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) mới của Chính phủ; sự phối hợp thực hiện các đánh giá, kiểm điểm chung giữa Bộ Tài chính và nhà tài trợ trong các chương trình, dự án cụ thể, đặc biệt là các dự án đang chậm trễ, gặp nhiều khó khăn cũng sẽ được tăng cường.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, từ năm 2003 đến nay, Hội nghị nhóm đối tác vẫn được Bộ Tài chính định kỳ tổ chức vào thời điểm giữa năm và cuối năm với sự tham gia của đại diện các nhà tài trợ cho Bộ Tài chính và các đối tác quan tâm tới ngành Tài chính.

Việc làm này là hết sức cần thiết để thể hiện sự quan tâm, quyết tâm  đánh giá cao của Bộ Tài chính với những tư vấn đóng góp của các nhà tài trợ. Tới đây, tiến trình hợp tác - đối thoại Nhóm đối tác PFM hướng tới sẽ là một quá trình đối thoại chính sách, là những khuyến nghị rất bao hàm, không chỉ dừng lại ở hai hội nghị mà là cả một tiến trình xuyên suốt để ghi nhận các kết quả, cùng đưa ra những giải pháp hợp tác hiệu quả hơn.