Kiểm soát chặt hàng quá cảnh qua Việt Nam

Theo chinhphu,vn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, không để lợi dụng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Kiểm soát chặt hàng quá cảnh qua Việt Nam
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, không để lợi dụng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Nguồn: Internet
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, không để lợi dụng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại thông qua việc kiểm tra khai báo tên hàng hóa và các tiêu thức trên tờ khai, phụ lục tờ khai hàng hóa quá cảnh theo quy định.

Đồng thời phải xây dựng các tiêu chí quản lý rủi ro đối với các nhóm mặt hàng trọng điểm có khả năng lợi dụng (như hàng tiêu dùng, hàng có thuế suất cao, hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện...).

Riêng đối với Cục Hải quan Lạng Sơn, TP. Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh, Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện, đánh giá một năm thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính về việc cho phép Công ty Cổ phần giao nhận vận tải đường bộ Việt Nam thực hiện thí điểm thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh đóng ghép chung container với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu vận chuyển đường bộ.

Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như công tác giám sát quản lý và phối hợp giữa Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh, Chi cục Hải quan cảng đóng ghép và Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất cảnh; tình trạng chấp hành pháp luật hải quan của doanh nghiệp; tình hình thu các khoản phí và lệ phí theo quy định của Nhà nước, ngành Tài chính và địa phương và giải pháp điều chỉnh mức phí, lệ phí hàng hóa quá cảnh có phù hợp với thực tế, thông lệ và cam kết quốc tế.