Đề xuất chi thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

Minh Thư

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã và đang bảo hộ, đưa nhiều công dân về nước an toàn
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã và đang bảo hộ, đưa nhiều công dân về nước an toàn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, thời gian qua, Việt Nam đã và đang bảo hộ, đưa nhiều công dân về nước an toàn. Do vậy, Dự thảo Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Tài chính xây dựng được đánh giá là rất cấp thiết.

Dự thảo Thông tư nêu rõ các đối tượng áp dụng gồm: Công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; Cá nhân, tổ chức trong nước liên quan đến hoạt động dịch vụ đưa công dân đi lao động ngoài nước theo hợp đồng, chủ tàu cá; Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài mà Bộ Tài chính đề xuất tại Dự thảo Thông tư gồm:

Một là, chi cho các hoạt động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể: Chi phí cho cán bộ của cơ quan đại diện Việt Nam đi công tác phục vụ nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân; đi thăm lãnh sự để tìm hiểu tình hình đối với các trường hợp công dân bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị xét xử, tù đày các khoản sau: tiền vé máy bay, tàu xe đi lại, tiền xăng dầu, tiền công tác phí theo chế độ quy định hiện hành.

Bên cạnh đó là các khoản chi cước phí thông tin liên lạc, cước phí bưu điện gửi tài liệu bảo hộ công dân; chi mời cơm, tặng quà cho cơ quan, tổ chức của chính quyền nước sở tại nhằm giải quyết thuận lợi các vụ việc bảo hộ công dân, phù hợp với quy định về chi tiếp khách, chi tặng phẩm làm công tác đối ngoại tại Quy chế chi tiêu nội bộ của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tiêu chí, điều kiện, hồ sơ chứng từ để xác định trường hợp công dân đặc biệt khó khăn khi tự họ và gia đình không có khả năng tài chính để khắc phục được trợ giúp các chi phí này theo quy định của pháp luật.

Hai là, chi trợ giúp những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn, bị mắc bệnh hiểm nghèo, trợ giúp các khoản chi phí đưa công dân là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Cụ thể:

Trợ giúp những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục, các khoản chi phí: Phương tiện vận chuyển tại nước sở tại, lương thực, thực phẩm, nơi ở tạm thời và nhu yếu phẩm cần thiết khác theo chứng từ chi thực tế trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Những trường hợp này Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quyết định phù hợp với thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 3 điều 4 Thông tư này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tiêu chí, điều kiện, hồ sơ chứng từ để xác định trường hợp công dân đặc biệt khó khăn khi tự họ và gia đình không có khả năng tài chính để khắc phục được trợ giúp các chi phí này theo quy định của pháp luật.

Đối với những trường hợp công dân bị mắc bệnh hiểm nghèo (danh mục các bệnh hiểm nghèo theo quy định hiện hành), bị tử vong, bị tai nạn nghiêm trọng nguy cơ đến tính mạng, khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục; hoặc các trường hợp gặp rủi ro nghiêm trọng cần bảo hộ (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố), ngoài các chi phí như những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn nêu trên, nếu cần trợ giúp thêm chi phí phương tiện về nước và các chi phí khác có liên quan thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chi hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27/11/2019 của Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi hỗ trợ nạn nhân, nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.

Ba là, chi tạm ứng tiền mua vé phương tiện về nước, chi trả các khoản viện phí bệnh viện, chi phí cư trú tạm thời và các chi phí khác cho công dân trong các trường hợp: Đương sự có đặt cọc, hoặc bảo lãnh của gia đình, thân nhân, công ty phái cử lao động, chủ tàu và có xác nhận về việc hoàn trả khoản tiền này.

Trường hợp đặc biệt khẩn cấp nếu đương sự không có đặt cọc hoặc bảo lãnh của gia đình, tổ chức trong nước, hoặc của công ty phái cử lao động, chủ tàu thì đương sự phải có cam kết hoàn trả các chi phí tạm ứng cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét quyết định cho tạm ứng đối với từng trường hợp cụ thể.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ được chi tạm ứng sau khi thực hiện các biện pháp đặt cọc, bảo lãnh của cá nhân, tổ chức trong nước, công ty, chủ tàu quy định tại Thông tư này.