Cơ chế cho người đại diện: Vẫn thiếu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đảm nhận 2 vai: lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời đại diện vốn Nhà nước, những nhân sự đặc biệt này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy khung pháp lý quy định quyền lợi và trách nhiệm của họ hiện được đánh giá đầy đủ nhưng thực tế vẫn nảy sinh nhiều trường hợp khiến người đại diện băn khoăn.

Cơ chế cho người đại diện: Vẫn thiếu
Tính đến ngày 15/8, SCIC thực hiện quyền sở hữu vốn Nhà nước tại 329 doanh nghiệp. Nguồn: internet

Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là đơn vị có nhiều người đại diện nhất tính đến nay, gần 500 người đại diện. Nghị định 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây có quy định rõ về người đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác.

Theo đó, người đại diện phần vốn của SCIC gồm cán bộ làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp được SCIC ủy quyền; cán bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử làm người đại diện kiêm nhiệm tại doanh nghiệp trước khi chuyển giao vốn cho SCIC và được SCIC kế thừa.

Trường hợp SCIC cử nhiều người đại diện tại một doanh nghiệp thì phải quy định cụ thể tỷ lệ vốn cho từng người nắm giữ và phân công người phụ trách chung. Người đại diện phải xin ý kiến của SCIC bằng văn bản trước khi biểu quyết các nội dung liên quan tới góp vốn, vay, cho vay và vấn đề nhân sự.

Yêu cầu như vậy nhằm đảm bảo đồng vốn Nhà nước được quản lý chặt chẽ song cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến không ít người đại diện băn khoăn và có ý kiến. Một trong những vấn đề được nêu ra nhiều nhất tại Hội nghị người đại diện của SCIC là cơ chế báo cáo nên được thực hiện như thế nào để các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện nhanh và linh hoạt.

Thông thường, khi lãnh đạo doanh nghiệp đã đồng thuận một vấn đề nào đó, họ có thể thực hiện ngay, song trong trường hợp này cần có sự thẩm định của SCIC trước khi triển khai. Vấn đề thứ hai là cơ chế nào để gắn quyền lợi và trách nhiệm của người đại diện với SCIC khi lương thưởng hiện nay đều do doanh nghiệp chi trả.

Không riêng gì với người đại diện của SCIC, ở một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước do các tổng công ty, tập đoàn quản lý đã nảy sinh tình trạng bất đồng giữa người đại diện và chủ sở hữu vốn Nhà nước. Hoạt động doanh nghiệp do đó bị ảnh hưởng tiêu cực nặng nề. Bởi vậy, việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa thông qua quyền cho người đại diện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cổ đông nhà nước là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, mặc dù còn một số tồn tại, nhưng trong thời gian qua người đại diện đã phối hợp chặt chẽ với SCIC, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tính đến 15/8, SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 329 doanh nghiệp với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách kế toán là 15.444 tỷ đồng. Việc quản lý vốn Nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua 433 người đại diện, trong đó có 348 người đại diện là cán bộ doanh nghiệp (làm việc chuyên trách), chiếm 80,4%.

Bên cạnh những mặt tích cực, SCIC đang phối hợp với người đại diện và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại ở các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ lớn, có tranh chấp nội bộ ban lãnh đạo; giữa các nhóm cổ đông; tranh chấp với đối tác khiếu kiện kéo dài hoặc doanh nghiệp cần hoàn thiện thủ tục triển khai dự án đầu tư theo quy định… Đơn cử trường hợp tại CTCP Giày Đông Anh nhiều năm không tổ chức được đại hội đồng cổ đông, quyền lợi của Nhà nước và cổ đông nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Để nâng cao hơn nữa vai trò của người đại diện và tạo thuận lợi cho công việc của họ trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, văn bản quy định cụ thể các quyền lợi và nghĩa vụ của nhóm nhân sự đặc biệt này cần sớm được ban hành. Hiện tại, Bộ Lao động Thương binh và xã hội mới đang có những bước sơ khởi trong việc dự thảo cơ chế lương thưởng cho người đại diện trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Về phần mình, SCIC cho biết, sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống người đại diện, tăng cường cơ chế phối hợp giữa SCIC và các địa phương, bộ ngành trong việc lựa chọn, theo dõi đánh giá người đại diện. “Với tư cách là cổ đông nhà nước tại DN, SCIC sẽ tiếp tục ủng hộ và đề cử người đại diện xứng đáng vào nắm giữ các chức vụ quản lý điều hành. Qua đó người đại diện có thể phát huy được khả năng quản lý lãnh đạo DN và hưởng các chế độ tương ứng”, ông Đạo cho biết.