Cơ chế đầu tư cho cụm công nghiệp miền núi


Thời gian qua các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, cải thiện đời sống dân sinh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Các CCN chưa phát huy hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: D.L
Các CCN chưa phát huy hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: D.L

Ưu tiên cho miền núi

Các CCN được đầu tư hạ tầng chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách, gặp khó khăn là thực hiện đầu tư không đồng bộ; công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái chung của CCN cũng còn nhiều bất cập, còn thiếu nguồn lực tài chính cho công tác đầu tư, phát triển; việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành hạ tầng chưa được quan tâm, khai thác.

Qua rà soát, chỉ có 4/54 CCN đi vào hoạt động có chủ đầu tư là doanh nghiệp. Các CCN triển khai di dời, giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu dân cư, vùng nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Hạ tầng các CCN chưa được đầu tư do thiếu hỗ trợ từ ngân sách so với nhu cầu phát triển.

Theo UBND tỉnh, điều kiện được hỗ trợ là CCN nằm trong quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt hoặc cho phép bổ sung trong từng thời kỳ; CCN đã có quyết định thành lập; CCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nguyên tắc hỗ trợ là CCN có diện tích từ 5ha trở lên tại địa bàn 9 huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước. Hỗ trợ mỗi huyện miền núi tối đa 2 CCN, và chỉ hỗ trợ CCN thứ hai sau khi CCN thứ nhất lấp đầy hơn 50% diện tích đất công nghiệp.

CCN đầu tư mới trên địa bàn tỉnh chỉ giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp các CCN tại 9 huyện miền núi nếu không lựa chọn được doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì mới giao cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư.

Đối với CCN đã được UBND tỉnh quyết định phân bổ kế hoạch vốn theo Quyết định số 06 ngày 17.4.2012, nhưng chưa được giao đủ vốn theo định mức, thuộc đối tượng hỗ trợ theo nghị quyết này, thì tiếp tục được áp dụng mức hỗ trợ.

Đối với nguồn kinh phí hỗ trợ CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện không quá 50% kinh phí hạng mục giải phóng mặt bằng, tối đa 10 tỷ đồng/CCN.

CCN do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ 100% hạng mục giải phóng mặt bằng; 50% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng, mức tối đa 25 tỷ đồng/CCN.

CCN thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ 100% hạng mục giải phóng mặt bằng; 70% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng, mức tối đa 30 tỷ đồng/CCN.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua rà soát, nhận thấy UBND tỉnh có đề xuất ưu tiên doanh nghiệp làm chủ đầu tư các CCN, đảm bảo phù hợp với định hướng Trung ương.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ lại có sự chênh lệch khá lớn giữa CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư (ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng mặt bằng, tối đa 10 tỷ đồng/CCN) với CCN do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư (ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, 50% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tối đa 25 tỷ đồng/CCN).

"Do đó, để khuyến khích, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư CCN, nhất là tại địa bàn các huyện miền núi, Ban Kinh tế - ngân sách đề xuất HĐND tỉnh xem xét, thảo luận nâng định mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư CCN tại các huyện miền núi theo hướng tăng mức hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng từ 50% lên 100%, mức hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng/CCN" - ông Đức đề xuất. 

Riêng với các CCN cũ tiếp tục được hỗ trợ theo nghị quyết này, theo Ban Kinh tế - ngân sách, thì UBND tỉnh cần thực hiện rà soát, đánh giá kỹ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn… trước khi xem xét, bố trí vốn hỗ trợ.

Các CCN đã hưởng cơ chế hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước khi chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý khai thác phải xây dựng phương án quản lý khai thác hạ tầng báo cáo UBND tỉnh thống nhất làm cơ sở để UBND cấp huyện phê duyệt.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam quy định ràng buộc một số điều kiện nhằm tăng cường trách nhiệm các địa phương trong việc xúc tiến, kêu gọi, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Ban Kinh tế - ngân sách đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rà soát, tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm, trình HĐND tỉnh xem xét, bố trí tăng thêm để hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án và thực hiện các giải pháp huy động nguồn vốn hợp pháp khác… để thực hiện chương trình.

Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được HĐND tỉnh xem xét, quyết định trong kỳ họp này.

Đến nay, Quảng Nam thu hút được 275 dự án đăng ký đầu tư vào 55 CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký là 709,2ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 113.222 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 62.667 người.