Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: Kỳ vọng một cơ chế đột phá
Việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được chú trọng trong thời gian qua, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì thế, một cơ chế đột phá, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các CCN, đặc biệt ở khu vực miền núi là hết sức cần thiết.
Nơi hoạt động, nơi dừng đầu tư
Theo Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, có xem xét đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3921 ngày 18.12.2018, toàn tỉnh có 92 CCN với tổng diện tích hơn 2.280ha đến năm 2025, và hơn 2.613ha đến năm 2035. Sau khi Bộ Công Thương bổ sung thêm 1 CCN thì có 93 CCN với tổng diện tích 2.759ha. Đến ngày 31.12.2020, toàn tỉnh đã có quyết định thành lập 57 CCN.
Qua khảo sát của Sở Công Thương Quảng Nam, hoạt động của các CCN có nhiều bất cập. 8/57 CCN đã có quyết định thành lập nhưng chưa hoạt động ở Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước. Có 4/50 CCN có quy hoạch chi tiết nhưng chưa hoạt động ở Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành, Thăng Bình.
Toàn tỉnh Quảng Nam có 55 CCN đi vào hoạt động, nhưng trong đó lại có 8/55 CCN chưa có quy hoạch chi tiết ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Hiệp Đức, Thăng Bình; 5/55 CCN chưa có quyết định thành lập ở Duy Xuyên, Hiệp Đức, Thăng Bình. Còn lại 3 địa phương chưa có CCN nào đi vào hoạt động là Nông Sơn, Phước Sơn và Tây Giang.
Ở 55 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 275 dự án đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê là 709ha, tổng vốn đăng ký hơn 113 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký là 62.667 người.
Trong đó, có 179 dự án đầu tư và đi vào hoạt động, vốn đầu tư thực hiện hơn 6.382 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 29.718 người; 83 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư; 13 dự án ngưng hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN bình quân đạt 65,1% (trong đó có 39 CCN có tỷ lệ lấp đầy từ 50% trở lên). Quy mô của DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, tập trung ở các nhóm ngành chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc, da giày.
Chưa phát huy hiệu quả đầu tư
Chủ đầu tư của các CCN chủ yếu là cấp huyện. Chỉ có 4 CCN do DN làm chủ đầu tư, gồm CCN Đồi 30 (Phú Ninh) của Công ty Đầu tư quốc tế Phú Ninh, tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng, đã đầu tư 69 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạ tầng, và thu hút được 5 dự án vào hoạt động (tỷ lệ lấp đầy 55%).
Ba CCN còn lại đã có chủ đầu tư nhưng chưa giao đất đủ, chưa đầu tư hạ tầng, gồm CCN Gò Đồng Mặt (Quế Sơn) của Công ty TNHH Minh Tiến, CCN Đại Nghĩa 1 (Đại Lộc) của Công ty Hòa Bình Quảng Nam, CCN Đại An mở rộng (Đại Lộc) của Công ty Hạ tầng Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng, kỹ thuật ở các CCN từ nguồn vốn Trung ương và tỉnh đến nay hơn 410 tỷ đồng.
Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu gồm bồi thường, giải phóng và san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước nội bộ, hệ thống các công trình xử lý nước thải, nước thải tập trung.
Một số CCN đã có sự hỗ trợ đầu tư cao nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp hoặc đã hỗ trợ đầu tư nhưng chưa thu hút được dự án. Qua hoạt động của các CCN, bên cạnh mặt tích cực còn có nhiều hạn chế cần khắc phục để tiếp tục hoạt động theo đúng quy định, mang lại hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn.
Theo ông Quang, những CCN đề cập có CCN Tây An đã đầu tư hơn 22 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy mới 56,32%; CCN Đại Đồng 2 đầu tư 28,1 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 56,12%; CCN Chợ Lò đầu tư 17,8 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 39,48%. CCN Nông Sơn (đầu tư 13,4 tỷ đồng), CCN Tam Mỹ Tây (đầu tư 8 tỷ đồng), CCN Khâm Đức (đầu tư 1,2 tỷ đồng) nhưng chưa có dự án nào vào đầu tư.
Ngoài ra, chỉ có 22/55 CCN đang hoạt động có hồ sơ về môi trường; các cơ sở hoạt động trong CCN tự xử lý nước thải nhưng chưa đạt quy chuẩn, xả thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN trong thời gian qua còn dàn trải, phân bổ đồng đều, hỗ trợ đầu tư không theo thứ tự ưu tiên từng hạng mục thực sự cần thiết, nhiều hạng mục đầu tư xong không kết nối, khai thác sử dụng nên gây lãng phí về nguồn lực ngân sách. Về hình thức cấp vốn hỗ trợ chưa được quy định cụ thể, chưa có quy định về cách vận hành và thu phí sử dụng hạ tầng dùng chung.
Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm, nhiều DN thứ cấp được cấp đất nhưng chưa sử dụng hết đất, sử dụng đất không hiệu quả gây lãng phí. Đối với việc quản lý các CCN, việc tồn tại các mô hình cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng chưa phù hợp với cơ chế vận hành, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của CCN, nhiều đầu mối quản lý khiến việc đầu tư hạ tầng CCN chưa đạt hiệu quả cao.
Thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư
Điện Bàn đã có các giải pháp như tổ chức rà soát quy hoạch chi tiết các CCN để điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, có xét đến năm 2035. Tập trung nguồn vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch trong các CCN. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực tốt đầu tư CCN, các ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường; giải quyết lao động, nâng cao giá trị công nghiệp.
Triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết được duyệt, đảm bảo tiến độ; ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải; duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng chung của CCN để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Trong giai đoạn mới, Điện Bàn cũng kiến nghị nên kêu gọi DN làm chủ đầu tư các CCN sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đề nghị nên lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN theo cơ chế đang áp dụng trên cả nước để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đại Lộc đang có nhiều DN đăng ký đầu tư dự án hạ tầng CCN, nên huyện kiến nghị tăng định mức hỗ trợ trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng hạ tầng kỹ thuật và quản lý CCN nên để cho DN đầu tư, kêu gọi dự án, khai thác sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Ông Quang kiến nghị: “Cơ chế xã hội hóa để các DN đủ điều kiện và năng lực tài chính đầu tư hạ tầng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, vận hành chất lượng hơn. Đại Lộc cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí di dời một số hộ dân xung quanh nhà máy cồn ethanol Quảng Nam tại xã Đại Tân. Tỉnh cũng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ kinh phí di dời một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường trong các CCN ở gần khu dân cư đến CCN xa khu dân cư”.
Băn khoăn nguồn lực đầu tư
Trong điều kiện hiện nay, nguồn lực đầu tư phát triển CCN đang là vấn đề gây băn khoăn nhiều nhất. Bởi nguồn lực đầu tư hạn chế thì khó tạo được đột phá trong phát triển công nghiệp ở các huyện miền núi như kỳ vọng.
Hỗ trợ phải đúng quy hoạch
Góp ý vào Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN do Sở Công Thương Quảng Nam chủ trì soạn thảo để tham mưu UBND tỉnh trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 3 này, ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, về định mức hỗ trợ, không nên hỗ trợ với mức chung 50% tổng mức từng hạng mục mà nên ưu tiên tỷ lệ cao hơn cho các hạng mục Nhà nước khuyến khích thực hiện như hệ thống xử lý nước thải, chất thải, vùng đệm cây xanh.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, đối với CCN đầu tư dở dang phía đông đường cao tốc, nếu có nhà đầu tư quan tâm thì Nhà nước chấm dứt đầu tư, giao cho DN tiếp nhận đầu tư. Nếu không có nhà đầu tư quan tâm thì Nhà nước tiếp tục đầu tư, kinh phí do cấp huyện.
Như vậy, cần thực hiện theo hướng xem xét quy mô diện tích còn lại của CCN chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng để quy định việc ngân sách tỉnh có tiếp tục hỗ trợ cho CCN để hoàn thiện hay không.
Bởi lẽ, hiện nay quy mô CCN chưa được đầu tư hạ tầng quá lớn, và huyện không có khả năng đầu tư thì tỉnh nên tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng để cùng huyện kêu gọi, thu hút đầu tư vào CCN. Với CCN chưa có trong quy hoạch phát triển CCN thì không nên đầu tư, mà chỉ đề xuất những CCN đã có trong quy hoạch để ưu tiên xem xét đầu tư và kêu gọi DN đầu tư.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ
Qua các cuộc làm việc của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với 3 huyện đại diện khu vực đồng bằng, trung du, miền núi và các sở, ngành liên quan đã khẳng định việc đề ra Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.
Bởi xuất phát từ thực trạng hạ tầng CCN còn nhiều khó khăn, tiến độ đầu tư xây dựng còn chậm, chưa đồng bộ, môi trường, cảnh quan chung của CCN cũng còn nhiều bất cập, nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho công tác đầu tư, phát triển, duy tu, bảo dưỡng, vận hành còn hạn chế.
Trong khi đó, việc thu hút DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN còn nhiều khó khăn vì chưa có cơ chế hỗ trợ. Đối với đơn vị làm chủ đầu tư CCN đã đề cập trong dự thảo, ngoài DN là nhóm được ưu tiên kêu gọi đầu tư, Ban Kinh tế - ngân sách đề nghị đổi “các đơn vị sự nghiệp cấp huyện” thành “các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, hoạt động của CCN” sẽ bao quát hơn và đúng quy định.
Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng UBND tỉnh có đề xuất ưu tiên DN làm chủ đầu tư các CCN là đảm bảo phù hợp với định hướng Trung ương. Tuy nhiên, mức hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng có sự chênh lệch khá lớn giữa CCN do DN làm chủ đầu tư (ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng mặt bằng, tối đa 10 tỷ đồng/cụm) với CCN do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư (ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, tối đa 25 tỷ đồng/cụm).
Do đó, để khuyến khích, tạo động lực thu hút DN đầu tư CCN, nhất là tại địa bàn các huyện miền núi, ông Đức đề xuất HĐND tỉnh xem xét, thảo luận nâng định mức hỗ trợ cho CCN do DN làm chủ đầu tư, cụ thể ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, tối đa 20 tỷ đồng/CCN. Mức hỗ trợ cụ thể thế nào còn chờ ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, bởi còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách có thể cân đối hỗ trợ phù hợp trong giai đoạn mới.
Ưu tiên khu vực miền núi
Dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có những điểm mới nhằm khắc phục những bất cập và tạo cú hích phát triển CCN, trong đó nguồn lực sẽ ưu tiên khu vực miền núi.
Theo quy chế trước đây về quản lý và ưu đãi đầu tư CCN, ngân sách nhà nước hỗ trợ các nội dung bồi thường, giải phóng và san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước nội bộ, hệ thống các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung với định mức chia theo diện tích và 2 khu vực miền núi, đồng bằng.
Giai đoạn 2021 - 2025, theo dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các CCN tại 9 huyện miền núi và CCN phục vụ di dời DN, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư, đô thị.
Nguồn lực sẽ ưu tiên hoàn thiện hạ tầng CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động, đặc biệt ưu tiên cho hệ thống bảo vệ môi trường, và các CCN thu hút DN chế biến sâu nguồn nguyên liệu địa phương, phát triển công nghiệp nông thôn. Việc hỗ trợ mỗi huyện miền núi tối đa 2 CCN, và chỉ hỗ trợ CCN thứ hai sau khi CCN thứ nhất đã được lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp. Mỗi huyện đồng bằng thực hiện di dời thì chỉ hỗ trợ 1 CCN.
CCN được hỗ trợ có diện tích từ 5ha trở lên, CCN đầu tư mới chỉ giao cho DN làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đối với CCN đã được hỗ trợ nhưng thuộc đối tượng hỗ trợ theo chính sách mới thì vẫn tiếp tục hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi đề nghị cấp vốn mới thì phải làm rõ sự cần thiết và đánh giá hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư chi tiết từng hạng mục. Các CCN đã hưởng cơ chế từ ngân sách nhà nước, khi chuyển giao cho DN quản lý, khai thác phải xây dựng phương án quản lý khai thác hạ tầng, báo cáo UBND tỉnh thống nhất, làm cơ sở để UBND huyện phê duyệt.
Định mức hỗ trợ CCN do DN làm chủ đầu tư theo đề xuất là không quá 50% kinh phí hạng mục giải phóng mặt bằng, tối đa 10 tỷ đồng/CCN. CCN do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ 100% hạng mục giải phóng mặt bằng, 50% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng, mức tối đa 25 tỷ đồng/CCN.
CCN thực hiện di dời DN thì hỗ trợ 100% giải phóng mặt bằng, 70% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mức tối đa 30 tỷ đồng/CCN. Dự kiến nguồn vốn hỗ trợ hàng năm không quá 50 tỷ đồng để thực hiện chương trình, nhu cầu vốn hỗ trợ cả giai đoạn là 250 tỷ đồng.