Cơ chế thông thoáng, khuôn khổ pháp lý đủ rộng, vì sao tín dụng tiêu dùng vẫn ì ạch?


Cơ chế chính sách không có quy định siết chặt, khuôn khổ pháp lý đủ rộng cho các công ty lĩnh vực tài chính tiêu dùng hoạt động, nhưng tín dụng tiêu dùng thời gian gần đây tăng chậm.

Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 202, là mức tăng rất thấp so với 5 năm qua.
Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 202, là mức tăng rất thấp so với 5 năm qua.

Tại Hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay" ngày 16/11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng tiêu dùng đang từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức và tránh xa tín dụng đen.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây, tín dụng tiêu dùng tăng chậm. Vì sao giảm, giảm nhu cầu của nền kinh tế hay do tổ chức tín dụng, hay do cơ chế chính sách chưa đảm bảo được để hoạt động này phát triển?", ông Tú cho rằng cần làm rõ nguyên nhân.

Dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,53%

Đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng, với tổng dư nợ cho vay đạt 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng). Riêng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Đáng chú ý, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022, là mức tăng rất thấp so với 5 năm qua.

“Cơ chế chính sách không có quy định siết chặt, khuôn khổ pháp lý đủ rộng cho các công ty lĩnh vực này hoạt động. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại, củng cố để tăng cường nâng cao năng lực quản lý, tài chính của các công ty tài chính được thực hiện quyết liệt trong những năm qua, nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng chậm, rõ ràng là câu chuyện có vấn đề", Phó Thống đốc phân tích.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến tín dụng tiêu dùng tăng chậm ngoài yếu tố khách quan như kinh tế khó khăn nên thu nhập và chi tiêu của người dân giảm sút, thì còn những yếu tố chủ quan.

Từ thực tế triển khai cho vay, đại diện BIDV cho rằng có những rào cản khiến việc triển khai cho vay tiêu dùng khó khăn hơn. Trọng đó, Luật giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với các quy định mới về việc ứng dụng chữ ký điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng sẽ ảnh hưởng đối với các khoản cho vay nhỏ lẻ trên kênh số tự động 100% và hạn mức dưới 100 triệu đồng.

Đại diện BIDV cho biết trong giai đoạn đầu triển khai, ngân hàng phải đầu tư rất lớn về hạ tầng công nghệ chữ ký số, việc này cũng sẽ làm tăng chi phí cho ngân hàng và cho khách hàng, và có ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm khách hàng khi phải dùng nhiều các biện pháp xác thực bảo mật và ký số.

Bên cạnh đó, Luật các TCTD yêu cầu các ngân hàng có nghĩa vụ kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng. Tuy nhiên, việc đảm bảo tuân thủ quy định này sẽ khó thực hiện đối với các khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ, số lượng phát sinh lớn hoặc khoản vay số hóa, tự động hoàn toàn theo các bộ nguyên tắc được cài sẵn (khách hàng không phải đến quầy).

Một yếu tố nữa khiến các ngân hàng ngại cho vay tiêu dùng là tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ; Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý…

"Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

Làm gì để "khơi thông" dòng vốn tín dụng tiêu dùng?

Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng có xu hướng gia tăng từ mức 2% (năm 2022) lên 3,7%, thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực, đồng thời nhấn mạnh: “Thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Hơn nữa, nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển”.

Ngoài tình trạng người vay cố tình trốn nợ, quỵt nợ, Phó thống đốc nêu rõ, có một thực tế khác, đó là việc hiện tại có nhiều công ty tài chính trá hình, nhập nhằng giữa tổ chức không được hoạt động cho vay và các tổ chức được cấp phép hoạt động chính thức.

Đại diện NHNN khẳng định, những vấn đề này cần được giải quyết, cần có quy định, nếu không thì bản thân các công ty tài chính chính thức bị lấn át, bị mất niềm tin của thị trường.

Để “khơi thông” dòng vốn tín dụng tiêu dùng, đại diện Agribank kiến nghị Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) có chính sách phân loại nợ phù hợp đối với khách hàng có nhiều khoản nợ. Ví dụ, những khoản nợ tại Agribank chưa bị chuyển sang nợ xấu, trong khi khoản nợ tại TCTD khác và công ty tài chính bị chuyển nợ xấu, nhằm không chuyển nhóm nợ của khách hàng tại Agribank lên nhóm nợ cao hơn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử để các TCTD có cơ sở tín nhiệm tốt hơn khi ra quyết định cho vay.

Đại diện BIDV kiến nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD được sử dụng phương thức xác thực như tin nhắn OTP, eKYC trong cho vay qua các phương tiện điện tử, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí vận hành. Và không quy định bắt buộc các TCTD phải thực hiện kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay đối với các khoản cho vay nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng được thực hiện trên kênh số (online).

Đồng thời, cần có Trung tâm dữ liệu quốc gia về bất động sản, tài sản thế chấp, về định giá cho phép các TCTD kết nối để tra cứu thông tin làm cơ sở để định hạng tín dụng và số hóa trong cho vay, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh.

Ngoài ra, các ngân hàng kiến nghị sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu thay thế sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hạn ngày 31/12/2023 để đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống ngân hàng.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn