Mục tiêu tín dụng 14% năm 2023 là rất xa và khó
Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 5%, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ có thể tăng 11%-12%, không thể đạt 14% cả năm như mục tiêu ban đầu.
Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, đến giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) trong toàn hệ thống với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%; ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 4 lần giảm lãi suất điều hành…
Tuy nhiên, đến nay, tín dụng vẫn tăng chậm. Số liệu từ NHNN cho thấy, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.
Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm).
Nhận định bối cảnh đặc thù của tín dụng, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng 9 tháng chỉ đạt 30%-50% chỉ tiêu và bứt tốc trong 3 tháng cuối năm là kịch bản quen thuộc, do tính chất thời vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2023 là rất xa và khó khăn.
“Theo tôi, tín dụng tăng trong 9 tháng vừa rồi là bình thường, đúng chu kỳ. Tôi theo dõi 10 năm nay rồi thì các tháng 11, 12 có tính thời vụ tăng 2% là bình thường. Chỉ có điều, nền kinh tế đang có những diễn biến khó lường thì dự báo cũng phải đổi thay”, ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, nếu nhận dự báo một cách lạc quan, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt từ 4,7% đến 5%, tăng trưởng tín dụng chỉ có thể chạm ngưỡng 11%-12%.
“Khả năng cao để hấp thụ của nền kinh tế thì 11-12% là phù hợp, không nên nhắc đến 14-15% nữa. Cần phải biết cân bằng rủi ro ngân hàng chấp nhận được cũng như khẩu vị của doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đẩy tăng trưởng tín dụng lớn hơn, nhanh hơn hiện là vấn đề khó.
“Thực chất là đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao khi tín dụng trên GDP là 130%. Trong tương lai, thị trường vốn phát triển thì tín dụng Việt Nam sẽ ở mức 10% là phù hợp, không thể 13% -15% như hiện nay”, ông Thành cho biết.
Về vấn đề lãi suất cho vay vẫn đang ở ngưỡng cao, là một trong những yếu tố cản trở tăng trưởng tín dụng, ông Thành cho rằng, ngân hàng thương mại huy động lãi suất cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất cao nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay sẽ lỗ nặng. Tuy vậy, các ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng, có khẩu vị riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên của mình.
“Tôi hi vọng lãi suất của Fed sẽ giảm từ giữa năm sau, hệ thống ngân hàng trong nước ổn hơn một chút thì có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm chút nữa. Hiện tại, chúng ta cố gắng giữ lãi suất hiện nay bởi áp lực tỷ giá vẫn còn”, ông Thành nói.