Cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý mang lại nhiều lợi ích
(Tài chính) Được ban hành cuối tuần trước, Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9 tới. Theo đó, người dân có ngoại tệ được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán và chuyển, mang ra nước ngoài. Nghị định cũng nêu rõ: chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là thả nổi có quản lý.
Điều người dân quan tâm ở Nghị định 70 là những quy định về quyền sử dụng tiền mặt ngoại tệ của cá nhân. Nghị định này nêu rõ: cá nhân (cả người cư trú và người không cư trú) có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.
Bên cạnh đó, chỉ có công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi. Quy định người cư trú là người nước ngoài được gửi tiết kiệm ngoại tệ sẽ không tiếp tục được áp dụng.
Nghị định 70 cũng quy định rõ: các nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc từ các nguồn thu vãng lai khác ở nước ngoài phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán, trừ một số trường hợp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cho phép giữ lại một phần hoặc toàn bộ nguồn thu ngoại tệ ở nước ngoài. Đặc biệt, mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép.
Chế độ tỷ giá: thả nổi có quản lý
Liên quan tới chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam, Nghị định 70 quy định rõ: tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do NHNN xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Theo TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý có thể là sự lựa chọn tốt nhất trong lúc này. Trong cơ chế thả nổi có quản lý, NHNN sẽ không tuyên bố trước tỷ giá trung tâm; tỷ giá thương mại hằng ngày về cơ bản được xác lập hoàn toàn bởi các giao dịch theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, NHNN có thể dùng các biện pháp can thiệp như mua bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và/hoặc các biện pháp kiểm soát nguồn vốn ra vào Việt Nam để làm mềm dao động của tỷ giá. TS. Phạm Thế Anh cho rằng, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Thứ nhất, giá cả của hầu hết các mặt hàng cũng như lương bổng của khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam đã được quyết định theo cơ chế thị trường. Việc thả nổi có quản lý tỷ giá sẽ giúp sự biến động của giá cả của các mặt hàng trong nước cân bằng với sự biến động của giá cả các mặt hàng trên thế giới, qua đó giúp nền kinh tế phân bổ tối ưu hơn.
Thứ hai, độ mở kinh tế của Việt Nam lớn, nhưng lại không bị lệ thuộc mạnh vào một đối tác cụ thể nào, nên việc áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài, mà còn giúp Việt Nam ngăn chặn tốt các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế.