Cơ hội cho thị trường bất động sản Long An bứt phá
Ý kiến mở rộng TP. Hồ Chí Minh về phía tỉnh Long An được một chuyên gia độc lập nêu ra tại hội thảo khoa học về quy hoạch đô thị TP. Hồ Chí Minh mới đây không có tính khả thi cao trong thực tiễn nhưng cũng giúp giới bất động sản có dịp nhìn nhận lại về thị trường bất động sản của địa phương này.
Trước hết, với lợi thế liền kề TP. Hồ Chí Minh, Long An được xem là địa phương nằm trong vùng tam giác phát triển, đón đầu xu thế giãn dân của TP. Hồ Chí Minh. Theo đề án Quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh thì 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa sẽ là đô thị vệ tinh của Thành phố.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và đô thị phát triển mạnh mẽ sẽ là động lực để thị trường bất động sản của tỉnh Long An tăng trưởng bền vững trong tương lai gần. Cụ thể, sau khi tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc thứ hai qua địa bàn tỉnh Long An là Bến Lức - Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2019.
Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị lớn nhất nước là TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe nối thông với khu công nghiệp Long Hậu; tuyến Metro số 4 nối quận 12 - Tân Bình - Phú Nhuận - quận 1 - quận 4 - quận 7 - Khu đô thị Cảng Hiệp Phước; tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian tới để nối thông quận 7 và Cần Giuộc - Long An; nâng cấp và mở rộng tuyến Quốc lộ 22; nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 830.
Về quỹ đất, tại một hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết hiện quỹ đất dành cho phát triển đô thị - công nghiệp của tỉnh khá lớn, với hơn 13.500ha đến năm 2020. Trong đó có 5.000ha "đất sạch" sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư. Đánh giá được tiềm năng phát triển của địa phương này, hiện nhiều nhà đầu tư lớn đã quyết định rót vốn vào Long An.
Quy mô nhất phải kể đến đầu tiên là 36 dự án diện tích 2.086ha do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư tại huyện Cần Giuộc.
Tại huyện Đức Hòa, Tập đoàn Vingroup đề xuất xin chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí tại khu đất có diện tích khoảng 900ha (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa). Các hạng mục đầu tư chủ yếu là khu phức hợp đô thị gồm các hạng mục nhà ở (Vinhomes), trường học quốc tế (Vinschool), bệnh viện quốc tế (Vinmec), công viên sinh thái và vui chơi giải trí.
Tại huyện Bến Lức, Công ty SeaHoldings đang phát triển dự án Lago Centro rộng 13ha với các lô nền nhà phố thương mại, nhà liên kế và biệt thự song lập.
Tại TP. Tân An, Tập đoàn ô tô Trường Hải cũng đang đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại - dịch vụ tại khu đô thị Trung tâm Hành chính, thành phố Tân An với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, đây sẽ là trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm ô tô của Trường Hải lớn nhất tại Việt Nam.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến nhà đầu tư đổ xô về Long An làm dự án. Thứ nhất là TP. Hồ Chí Minh ban hành Thông tư 60 đã làm hạn chế phân lô bán nền. Từ đó, làm hạn chế nguồn cung đất nền của Thành phố và đẩy giá đất nền lên rất cao.
"Điều quan trọng nhất giúp cho đất nền Long An sôi động là giá đất còn rẻ, thủ tục làm dự án nhanh hơn. Các dự án ở Long An được doanh nghiệp Sài Gòn bán hàng gần đây có điểm chung là vị trí tốt, quãng đường di chuyển vừa phải và kết nối giao thông thuận tiện với TP. Hồ Chí Minh, tốc độ ra sản phẩm nhanh hơn", ông Quang nói.